Mở rộng Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV
Bác sĩ tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện A Thái Nguyên

Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện A Thái Nguyên đang chăm sóc, điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân HIV/AIDS của tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. Thực hiện lộ trình tiếp nhận và chuyển giao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các dự án khi các nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, việc khám, điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại phòng khám gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ CKI Lương Minh Tuấn, Trưởng phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: “Việc sử dụng thẻ BHYT có giấy chuyển viện như thế nào, việc thông tuyến như thế nào cũng ảnh hưởng một phần đến việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Còn một số đối tượng nữa là những đối tượng là cán bộ công chức nhà nước mà không may bị nhiễm HIV khi chuyển thẻ BHYT về thì có tiết lộ thông tin của người ta hay không, tính bảo mật như thế nào?”

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có trên 5.300 người nhiễm HIV còn sống, trong đó trên 4.000 người đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV. Từ năm 2017, hoạt động chăm sóc điều trị cho các trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV phải chuyển sang hình thức BHYT đồng chi trả, trong khi đó tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT trong năm này chỉ chiếm 84%.

Mở rộng Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV
Toàn tỉnh hiện có trên 95% người đang điều trị ARV được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT

Bên cạnh việc vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT thì tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỷ lệ người đang điều trị ARV của tỉnh Thái Nguyên được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã tăng lên trên 95%. Cùng với đó, các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã tích cực triển khai quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS lồng ghép với quy trình khám chữa bệnh của đơn vị.

Bác sỹ CKII Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi cùng với Bảo hiểm xã hội đã chủ động phối hợp và ký hợp đồng điều trị cho đối tượng này. Về nguồn nhân lực, chúng tôi đảm bảo về số lượng và chất lượng cán bộ, còn các thăm khám cận lâm sàng, xét nghiệm nói chung thì sử dụng nguồn quý BHYT chi trả. Công tác tuyên truyền được thực hiện từ lâu.”

Mở rộng Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV
Ngành y tế đang tích cực tuyên truyền và huy động nguồn kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV

Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng gần 150 người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Đa số những bệnh nhân này có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bếp bênh hoặc chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của việc mua BHYT. Để thực hiện mục tiêu 100% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng thẻ Bảo hiểm y tế thì việc huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV cũng cần được ngành Y tế phối hợp với các ngành triển khai.

Ông Trương Bình Minh, Trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi làm công tác truyền thông cho chính những người đang tham gia điều trị tại các cơ sở điều trị hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của Bảo hiểm y tế. Đến nay việc kiện toàn, chuyển đổi phòng khám ngoại trú cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đúng theo kế hoạch.”

Lợi ích của BHYT là thiết thực với mỗi người và là xu hướng tất yếu trong tiến trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đặc biệt, BHYT càng cần thiết đối với người nhiễm HIV/AIDS khi không còn sự tài trợ của các dự án, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả toàn bộ cho quá trình điều trị lâu dài và tốn kém. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nhiễm HIV về bảo hiểm y tế, có như vậy sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống HIV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng./.