4151-sot-xuat-huyet0
Hiện tại đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát rất cao.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay Thái Nguyên đã ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết. Đơn vị này cũng cảnh báo hiện tại đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát rất cao.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, sốt xuất huyết mặc dù không phải là bệnh lý cấp tính, song nếu không tiếp cận thăm khám và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy kịch tới tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Người dân khi mà đi từ vùng dịch tễ về, ví dụ Hà Nội hoặc là từ miền Trung và trong miền Nam mà có biểu hiện sốt đột ngột trong vòng từ 2 đến 7 ngày, đau đầu, đau mỏi toàn thân có thể có phát ban hoặc là suất huyết ở ngoài da, có bệnh nhân thì có chảy máu cam, chảy máu chân răng thì phải đến khám ngay ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời”.

Cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát.

- Phòng chống muỗi đốt bằng cách:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

+ Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.