Kỳ vọng Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn
Nghị quyết được ban hành là mong mỏi và kỳ vọng của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các trường học công lập |
Cô giáo Vũ Thị Ly là một trong số trên 30 giáo viên, nhân viên đang thực hiện định mức khoán tại Trường mầm non Điềm Thụy, huyện Phú Bình. Mặc dù có đến 4 năm giảng dạy tại đây, nhưng cô Ly vẫn luôn thấp thỏm khi công việc không ổn định. Khi 2 tháng hè không có thu nhập, cô lại phải tìm kiếm các công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Trước thông tin HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Nghị quyết về việc giao số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 của Chính phủ, đã giúp cô Ly và các giáo viên định mức khoán khác có thêm động lực để gắn bó với nghề.
Cô giáo Vũ Thị Ly, Trường Mầm non Điềm Thụy, huyện Phú Bình cho biết: "Bản thân tôi cùng các giáo viên trong nhà trường rất vui mừng và tôi cũng mong muốn Nghị định sớm được thực hiện."
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 4.200 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong đó, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất với trên 1.500 biên chế, tiếp đến là khối THCS và tiểu học. Trước yêu cầu cấp thiết cần bổ sung nguồn nhân lực cho ngành GD&ĐT và thực hiện Nghị định 111 của Chính phủ, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Nghị quyết số 83 về việc giao 2.916 hợp đồng lao động năm học 2023-2024 cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, cấp học mầm non được giao 1.075 hợp đồng, tiếp đến là cấp tiểu học với 811 hợp đồng, còn lại là cấp THCS và THPT. Cũng theo nghị quyết này, thành phố Thái Nguyên được giao số lượng hợp đồng nhiều nhất với 622 chỉ tiêu; tiếp đến là các huyện Đại Từ, Phú Bình và TP Phổ Yên.
Cô giáo Dương Thị Thư, Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui vì đã có quyết định để giáo viên như chúng tôi được ký hợp đồng dài hơn."
Cô giáo Nguyễn Thị Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho biết: "Giáo viên được ký theo Nghị quyết sẽ giúp cho việc bổ sung giáo viên biên chế tạo điều kiện cho các nhà trường có đủ đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục."
Nghi định số 111 năm 2022 của Chính phủ được ban hành để thay thế, bãi bỏ Nghị định số 68 năm 2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cũng như sửa đổi, thay thế, bãi bỏ nhiều quy định khác về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…
Cô giáo Hà Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: "Tôi cung mong muốn hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 sẽ sớm được thực hiện để giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc quản lý chế độ tiền lương và các chế độ khác trong nhà trường."
Cô giáo Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Điềm Thụy, huyện Phú Bình cho biết: "Mong muốn rằng khi UBND huyện ký hợp đồng với các thầy cô sẽ tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo đã cống hiến trong ngành giáo dục nhiều năm và cũng tạo điều kiện để các thầy cô được hưởng mức lương như viên chức của ngành giáo dục hiện nay."
Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về giao số lượng hợp đồng lao động tại các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên theo Nghị định số 111 năm 2022 của Chính phủ là một chủ trương đúng và phù hợp với yêu cầu của thực tế, sẽ góp phần cơ bản khắc phục những bất cập do thiếu biên chế giáo viên và khó khăn khi thuê khoán giáo viên./.