Kỷ luật một số cán bộ cao cấp vụ Trịnh Xuân Thanh là cấp thiết
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Xem xét xử lý đối với ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; bà Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
TS Trần Miều |
TS Trần Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng, ông cũng như dư luận xã hội rất đồng tình với việc xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với một số cán bộ có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh. Qua đây có thể thấy rằng, Đảng ta đã nghiêm túc xử lý kỷ luật những đảng viên có chức, có quyền, dù họ đã nghỉ hưu. “Tôi tin làm đến cùng và xử lý triệt để vụ việc này, niềm tin của quần chúng vào Đảng và Nhà nước sẽ tăng”.
Kỷ luật một số cán bộ vụ Trịnh Xuân Thanh là cấp thiết
PV: Trong tình hình hiện nay, việc ra quyết định này có tác động như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, trong đó có việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức có quyền?
TS Trần Miều: Tôi phải nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, việc kỷ luật một số cán bộ có liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh là cấp thiết.
Tôi không nhắc lại tình hình, vì Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận diện rõ tình hình tổ chức đảng và tình hình đảng viên. Ban Chấp hành, Ban Bí thư và Bộ Chính trị Trung ương Đảng là “tập thể bác sỹ” có trình độ chuyên môn cao, đã chẩn đoán đúng bệnh và nguyên nhân gây ra những “căn bệnh” của một số tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có những đảng viên có chức, có quyền.
Chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để phát hiện và xử lý triệt để những cán bộ có chức, có quyền quan liêu, cục bộ, tham nhũng và lãng phí. Làm được như vậy, dân sẽ tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
PV: Vụ việc Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, hiện tượng suy thoái đạo đức được đặc biệt quan tâm trong Đại hội Đảng XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, giờ đây đã đến mức đáng báo động?
TS Trần Miều: Không phải đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng ta mới nhận thấy sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ và đảng viên, mà ngay trong Đại hội lần thứ IX (năm 1996), Đảng ta đã cảnh báo “Trong tình hình hiện nay, phải rất chú trọng việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và trình độ trí tuệ của cán bộ, đảng viên. Uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng…”.
Nhắc lại văn kiện Đại hội lần thứ IX để thấy, Đảng đã đánh giá đúng tình hình và đã đề ra một số giải pháp để khắc phục tình hình đó. Tính đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Đảng ta nhận định “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”.
Sở dĩ còn tình trạng biết “bệnh” và nguyên nhân “gây bệnh”, đã cho “thuốc” mà bệnh không thuyên giảm là do giải pháp của chúng ta còn chưa đủ mạnh, chưa trở thành phương thuốc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Xem xét vi phạm đảng viên có chức quyền cần xét yếu tố tăng nặng
PV: Theo ông, cần có giải pháp gì để ngăn chặn việc suy thoái này một cách hiệu quả?
TS Trần Miều: Theo tôi, cần nghiên cứu để xử lý một số vấn đề về lý luận và thực tiễn của công tác xây dựng Đảng nảy sinh trong thời kỳ mới. Thứ nhất, nghiên cứu luận điểm “Thà ít mà tốt” của Lênin để có chủ trương kết nạp những quần chúng thật sự ưu tú vào Đảng. Tránh tình trạng kết nạp nhiều đảng viên mới mà chất lượng trong Đảng không được nâng lên.
Thứ hai, xem xét bổ sung Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trong tình hình hiện nay, theo tôi cần mở rộng thêm chủ thể giám sát cán bộ, đảng viên có chức có quyền theo hướng: Tăng thêm một số tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được quyền giám sát; khuyến khích người dân giám sát cán bộ, đảng viên ở cộng đồng dân cư và có cơ chế cán bộ, đảng viên có chức có quyền thực hiện hình thức tự giám sát.
Thứ ba, phải đổi mới sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ. Vì hiện nay, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi rất hình thức. Sinh hoạt cho có hơn là sinh hoạt cho hiệu quả. Hầu như nhiều chi bộ, nhất là những chi bộ ở cơ quan, trường học và doanh nghiệp không duy trì được sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt theo kiểu xuôi chiều. Nói là sinh hoạt chi bộ, nhưng thực chất là một người nói và mọi người đồng ý. Bí thư chi bộ nói xong là đảng viên đồng ý, không có ý kiến khác.
Kiểu sinh hoạt như vậy, không những làm thủ tiêu hình thức đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, hình thức giám sát đảng viên có chức có quyền không thực hiện được. Để khắc phục tình trạng này, các chi bộ phải có sổ theo dõi đảng viên. Trước khi sinh hoạt chi bộ, mọi đảng viên phải tự mình tích vào sổ xem trong tháng ấy mình có làm gì sai không? Trong tháng ấy mình có tăng thêm tài sản gì không?
Làm được như vậy sẽ có hai tác động: đảng viên tự kiểm soát mình, chi bộ kiểm soát được đảng viên; mỗi lần đảng viên cầm bút tích vào ô có hoặc không làm gì sai trái, có hoặc không tăng tài sản là một lần nhắc nhở, một lần suy nghĩ và tự vấn lương tâm của đảng viên ấy.
Cùng với đó, khi xem xét kỷ luật đảng viên có chức có quyền cần ít tính đến tình tiết xem nhẹ, mà phải tính nhiều đến tình tiết tăng nặng. Vì những đảng viên này được Đảng và nhân dân tín nhiệm, được đào tạo bài bản, được trang bị kiến thức và có đủ nhận thức về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhưng lại thiếu tự phê bình, không thành khẩn trước Đảng. Do đó, những đảng viên có chức có quyền khi vi phạm kỷ luật phải xử nặng hơn người bình thường để làm gương.
Thủ tướng chỉ đạo, các cấp các ngành phải thực hiện nghiêm
PV: Chính phủ mới, đặc biệt là Thủ tướng có những hành động, chỉ đạo khá quyết liệt và khẩn trương trong thời gian vừa qua. Mới đây là Thủ tướng chỉ đạo không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì…. Theo ông những chỉ đạo và việc nêu gương của Thủ tướng có tác động như thế nào đến việc chỉnh đốn, chấn chỉnh lại bộ máy cán bộ, công chức Nhà nước?
TS Trần Miều: Tôi rất tâm đắc với những phát ngôn và việc làm gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi cảm nhận được, người dân rất đồng tình, ủng hộ và hy vọng Thủ tướng sẽ điều hành để Chính phủ là người kiến tạo, hành động và liêm chính.
Tôi cũng còn thấy băn khoăn về việc các thành viên của Chính phủ, các vị lãnh đạo của chính quyền các cấp thực hiện như thế nào sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Bởi vì, trong dân gian lưu truyền câu ca dao rất sâu sắc và có ý nghĩa: “Một ngôi sao chẳng sáng đêm/Một bông lúa chín chẳng nên mùa màng”. Do đó, không chỉ sự gương mẫu làm gương của Thủ tướng là đủ, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, mọi cán bộ phải chung tay cùng thực hiện.
Nếu tất cả cán bộ có chức, có quyền gương mẫu làm gương sử dụng tiết kiệm kinh phí và trang thiết bị, biết nói không với tham nhũng, tiêu cực, biếu xén quà cáp, nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới thì chúng ta sẽ có nhiều “ngôi sao” để làm sáng đêm và nhiều “bông lúa chín” để làm nên mùa màng.
PV: Xin cảm ơn ông./.