Khuyến học khuyến tài - Góc nhìn từ thực tiễn
Từ 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 520 nghìn lượt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ và trao học bổng với tổng số tiền trên 71 tỷ đồng. |
Một trong những hoạt động nổi bật, huy động được sự tham của đông đảo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đơn vị, doanh nghiệp thời gian qua đó là xây dựng quỹ khuyến học và tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em đến trường - Vì em hiếu học”. Tính chung từ khi phát động chương trình năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 520 nghìn lượt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ và trao học bổng với tổng số tiền trên 71 tỷ đồng. Hoạt động thiết thực này đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, từ đó mỗi địa phương, đơn vị tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn.
Ông Đinh Văn Chỉ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ cho biết: "Hàng năm, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã thường xuyên tặng quà, học bổng cho trên 40 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã. Đây được xem là nguồn động lực giúp các em nỗ lực vươn lên."
Bà Nguyễn Thị Hoàng Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: "Ngoài việc chỉ đạo của chính quyền, công tác phối hợp giữ UB MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong những năm qua luôn gắn kết chặt chẽ và đạt hiệu quả cao trong công tác xã hội hóa khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của phường."
Thời gian qua, để cụ thể hóa việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”, cũng như công tác khuyến học - khuyến tài, Hội khuyến học tỉnh đã phát động và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cũng đã được Hội khuyến học các cấp phối hợp thực hiện hiệu quả. Đi đôi với đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác khuyến học cũng được triển khai với những thiết thực. Đến nay, Hội Khuyến học các cấp đã xây dựng phần mềm số hóa về đánh giá công nhận "Công dân học tập" với trên 141 nghìn tài khoản đăng ký tham gia, trong đó trên 81% tài khoản đạt danh hiệu “công dân học tập”.
Bà Lê Thị Lan, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục vẫn động mọi tầng lớp nhân dân, công dân trong độ tuổi đăng nhập phần mềm để tự đánh giá công dân học tập. Chúng tôi tự nhận thức được rằng, công dân học tập là nền tảng cho các mô hình học tập khác."
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo định hướng kết luận 49 của Đảng; chú trọng vào việc xây dựng tổ chức, hội viên và vận động, tuyên truyền các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài."
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động khuyến học, khuyến tài, các địa phương, đơn vị, cần có những giải pháp linh hoạt để thực hiện các mô hình “Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập”. Từ đó là nền tảng để từng bước triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vừa phát động./.