Khuyến công đồng hành phát triển công nghiệp nông thôn
Chiếc máy chấn tôn thủy lực CNC là một trong những thiết bị quan trọng tham gia vào công đoạn tạo hình, gia công sản phẩm của Công ty TNHH Kết cấu Thép Hoàng Triều. |
Chiếc máy chấn tôn thủy lực CNC là một trong những thiết bị quan trọng tham gia vào công đoạn tạo hình, gia công sản phẩm được Công ty TNHH Kết cấu Thép Hoàng Triều ứng dụng vào sản xuất từ năm 2022, với tổng trị giá đầu tư trên 700 triệu đồng, trong đó có sự hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công. Việc ứng dụng thiết bị mới vào sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình sản xuất, mà chi phí gia công cũng đã giảm từ 70 đến 80% so với trước.
Ông Nguyễn Hải Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu Thép Hoàng Triều chia sẻ: "Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, công ty được chương trình khuyến công hỗ trợ, đồng hành; doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chúng tôi mong muốn chương trình tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để hiện đại hóa sản xuất và hiệu quả hơn trong công việc".
HTX Tâm Trà Thái đã đầu tư hệ thống máy hút chân không và máy đóng gói sản phẩm tự động phục vụ sản xuất. |
Được hỗ trợ 50% giá trị đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại thông qua đề án khuyến công, năm 2022, HTX Tâm Trà Thái đã quyết định đầu tư hệ thống máy hút chân không và máy đóng gói sản phẩm tự động phục vụ sản xuất, với tổng giá trị trên 600 triệu đồng. Ứng dụng công nghệ mới, những hạn chế trước đây như chi phí nhân công tăng, năng lực sản xuất không ổn định, hay công tác bảo quản sản phẩm đã cơ bản được khắc phục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước.
Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái cho hay: "Các thủ tục được hướng dẫn tận tình, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ cho hợp tác xã. Chúng tôi mong Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ các hợp tác xã nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn cũng như trang thiết bị, máy móc kỹ thuật để có những sản phẩm chất lượng nhất, tốt nhất đến tay người tiêu dùng".
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: "Thực hiện Đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp đã đạt nhiều hiệu quả, nhân dân có thể mua sắm, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó, đời sống của người dân đã phát triển rõ rệt; nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đã thấy được hiệu quả của việc đầu tư phát triển nâng cao công cụ sản xuất, chủ động đầu tư thêm những sản phẩm công nghiệp nông thôn để phát triển sản xuất trong thời gian qua".
Năm 2022 đến tháng 6 năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện 18 đề án hỗ trợ với các nội dung đa dạng, phong phú như: Chuyển giao khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công trên 5,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã đồng hành sát cánh để đưa chương trình khuyến công quốc gia cũng như chương trình khuyến công địa phương đến với các đơn vị, từng bước khắc phục khó khăn đưa sản xuất ổn định và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao".
Tiếp sức, tạo đòn bẩy để các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển bền vững, trong năm 2023, các đề án khuyến công của tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhằm thúc đẩy mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm chế biến sâu, hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh./.