Khủng hoảng Venezuela rối như tơ vò: Mỹ lo ngại phiến quân trỗi dậy
Trong lúc nước Mỹ thực hiện nỗ lực ngoại giao lớn nhất của họ ở châu Mỹ Latin trong các năm qua để hạ bệ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thì quân đội Mỹ lại đang tập trung sự chú ý vào một hệ quả của cuộc khủng hoảng này: Sự tăng cường các phiến quân Colombia ở hai bên biên giới Venezuela.
Chiến binh ELN. Ảnh: TRT World. |
Quân đội Mỹ theo dõi chặt các lực lượng phiến quân Colombia
Đô đốc Mỹ Craig Faller - người đứng đầu Bộ chỉ huy phương Nam của quân đội Mỹ (giám sát lực lượng quân sự Mỹ ở châu Mỹ Latin), nói với Reuters rằng Mỹ đã tập trung cao độ sự chú ý vào các phiến quân này và tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo với các quan chức Colombia.
Cụ thể giới chức Mỹ đang cảm nhận rõ mối đe dọa ngày càng tăng từ cả lực lượng Quân giải phóng Quốc gia (ELN) và các phái của Các lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã từ chối tuân theo thỏa thuận hòa bình 2016 nhằm chấm dứt 5 thập kỷ nội chiến ở Colombia.
Mỹ tin rằng các chiến binh đang lợi dụng khủng hoảng ở Venezuela để mở rộng tầm ảnh hưởng ở quốc gia này và quy mô các hoạt động bất hợp pháp của họ, bao gồm việc buôn lậu ma túy.
Đô đốc Faller nói: “Vai trò chính của chúng tôi khi làm việc với các đối tác Colombia là hỗ trợ chia sẻ thông tin tình báo. Những gì chúng tôi biết, chúng tôi chia sẻ”. Faller cho biết, hoạt động chia sẻ thông tin tình báo về các phiến quân đã gia tăng khi khủng hoảng Venezuela trở nên sâu sắc.
Bức tranh rối ren
Các nguy cơ từ lực lượng nổi dậy ở hai bên biên giới giữa Colombia và Venezuela đã tạo thêm một lớp phức tạp nữa cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela, nơi mà Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố là mọi lựa chọn đều được đưa ra bàn để loại bỏ ông Maduro khỏi vị trí Tổng thống Venezuela.
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela, Juan Guaido, cho rằng cuộc bầu cử vào tháng 5/2018 (trong đó ông Maduro đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2) là một sự gian lận. Và ông này dùng đến một điều khoản hiến pháp vào ngày 23/1 để tự xưng là Tổng thống lâm thời. Nhiều nước phương Tây (gồm Mỹ) đã hậu thuẫn cho ông Guaido với tư cách là nguyên thủ Venezuela.
Trong khi đó, ông Maduro tố công ông Guiado là con rối trong tay Mỹ, âm mưu đảo chính, giành giật sự ủng hộ của quân đội và kiểm soát các chức năng nhà nước.
Jeremy McDermott - một chuyên gia ở Colombia, chuyên về vấn đề nổi dậy, cho rằng ông tin rằng các phiến quân Colombia đang hoạt động ở Venezuela với sự hậu thuẫn của Tổng thống Maduro.
Theo McDermott, mục đích của phiến quân là khai thác tình trạng lộn xộn, vô pháp luật ở Venezuela vào lúc này, tạo ra các căn cứ an toàn và thu lợi về mặt kinh tế. McDermot cho rằng điều này có lợi cho ông Maduro.
McDermot nói: “Nếu người Mỹ xâm lược Venezuela hoặc nếu Colombia xúc tiến can thiệp quân sự, thì họ (những người ủng hộ ông Maduro) sẽ có khả năng hiệu triệu một lực lượng nổi dậy có tới hơn 50 năm kinh nghiệm chiến đấu”.
Đại sứ Colombia tại Washington, Francisco Santos, cho biết lực lượng ELN và FARC đã từ lâu hiện diện ở Venezuela và dưới tác động của khủng hoảng ở Venezuela, họ càng trở nên mạnh mẽ hơn và “cắm rễ” sâu vào quốc gia này.
Đại sứ Santos nói với Reuters: “Họ đã trở thành các nhóm bán quân sự cho chính quyền Maduro”.
ELN tích cực mở rộng
Nhóm ELN thành lập vào năm 1964 với cảm hứng từ cuộc cách mạng ở Cuba. ELN nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom xe hồi tháng 1/2019 nhằm vào một trường cảnh sát ở Bogota khiến 22 học viên thiệt mạng. Đây là một cuộc leo thang của ELN, tổ chức từng bắt cóc thành viên lực lượng an ninh Colombia, tấn công các đồn cảnh sát và đánh bom các đường ống dẫn dầu.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho hay ELN đang tăng cường sử dụng lãnh thổ Venezuela để tiến hành việc buôn ma túy và khai thác bất hợp pháp các khoáng sản như là vàng và coltan. Giới chức Mỹ tố các lực lượng an ninh Venezuela nhận lại quả từ các du kích này.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hoạt động thu thập tình báo của Mỹ về các nhóm du kích này đã tăng trong các tuần gần đây. Vài quan chức Mỹ cho biết họ tin là các lãnh đạo cao cấp của cả ELN và nhóm bất đồng chính kiến trong FARC hiện đang ở bên trong lãnh thổ Venezuela.
Tổ chức International Crisis Group thì cho biết, ELN đã hoạt động ở ít nhất 13 bang trong tổng số 24 bang của Venezuela, tuyển thêm nhiều tân binh.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ thống nhất nhấn mạnh đến các công cụ ngoại giao và kinh tế nhằm thúc đẩy sự ra đi của ông Maduro, như các lệnh trừng phạt, nhưng Đô đốc Faller thừa nhận rằng quân đội Mỹ vẫn sẵn sàng cung cấp các “lựa chọn” khác nếu cần.
Mặt khác Đô đốc Faller đồng thời lưu ý rằng không có đồng minh nào của Mỹ trong khu vực tìm kiếm giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela. “Chúng tôi đã nói chuyện với các đối tác của chúng tôi và không ai nghĩ rằng lựa chọn quân sự là một ý tưởng hay” – Faller nói./.