Khi di sản “được mùa“
Khẳng định hiệu quả của công tác bảo tồn
Năm 2016 là một năm thành công của Việt Nam trong lĩnh vực di sản với nhiều kết quả làm nức lòng người yêu văn hóa di sản trong cả nước. Với 5 di sản tư liệu, 2 di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 8 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cộng thêm 2 di sản mới được công nhận năm 2016 gồm “Mộc bản trường học Phúc Giang - Mộc bản Trường Lưu” và “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt”, hiện tại Việt Nam có 25 di sản đã được UNESCO công nhận. Vừa qua, đại diện của UNESCO cũng cho biết sẽ sớm đưa “Hát xoan” của Việt Nam từ danh sách “Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là sự khẳng định cao nhất về hiệu quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam.
Hát xoan sẽ sớm ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. |
Đã có nhiều liên hoan nghệ thuật liên quan đến di sản được tổ chức thành công như Liên hoan ca trù, Liên hoan dân ca ví dặm, Liên hoan Quan họ Bắc Ninh… Tại “Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016”, sau khi chứng kiến ca nương 7 tuổi Nguyễn Thục Trinh đến từ câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội trình diễn những tiết mục khó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh đã kỳ vọng, ca trù cũng sẽ sớm thoát khỏi hạng mục di sản “cần được bảo vệ khẩn cấp” của UNESCO.
Có thể nói, cho đến thời điểm này, những thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam đều đã đạt được những thành quả đáng kể. Hơn thế nữa, điều khiến những người làm văn hóa hoàn toàn yên tâm về một tương lai tươi sáng cho di sản chính là sự thay đổi nhận thức rõ rệt của người dân trong ứng xử với những di sản quý của dân tộc.
Không ít trăn trở
Bên cạnh những tín hiệu vui trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo lắng về sự biến tướng của di sản có yếu tố tâm linh tín ngưỡng, đặc biệt là sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thừa nhận: “Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại trước sự biến tướng “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ” sau khi được vinh danh di sản. Nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở phủ, lên đồng và coi việc được UNESCO vinh danh di sản để “bảo hiểm” cho việc này”.
Ông Châu cũng lo ngại từ những hệ lụy này sẽ xảy ra việc không phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả của tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ. Chúng ta cần phải có nhiều cuộc thảo luận để các nhà quản lý văn hóa hiểu rõ và hiểu đúng về “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ”. Đặc biệt, quan trọng hơn là việc giáo dục cho cộng đồng trong việc thực hành tín ngưỡng.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội”.
Anh Đỗ Văn Nhất, chủ nhiệm diễn đàn “hatvan.vn” chia sẻ những trăn trở của mình: “Những biến tướng của tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ hiện nay là do hiểu biết của người dân về “hầu đồng” và “tín ngưỡng thờ mẫu” còn hạn chế, thậm chí có hiểu biết không đúng với những giá trị thật của tín ngưỡng. Đặc biệt, khi được UNESCO công nhận là di sản thì những hiện tượng biến tướng sẽ khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, tôi tin rằng những hoạt động tuyên truyền đúng về di sản sẽ dần đưa những giá trị cốt lõi của di sản về đúng vị trí của nó trong nhận thức của người dân”.
Trong một hội thảo mới đây về vấn đề di sản, TS. Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc bày tỏ: “Hiện nhiều cung văn trẻ rất mạnh dạn bổ sung các nhạc cụ “ngoài dòng” như: sáo bầu của người H’Mông, đàn phím điện tử, đàn bầu điện tử; cũng như các điệu dân ca của nhiều vùng và thậm chí một số sáng tác mới cũng đã được các nghệ sĩ cung văn áp dụng trong các buổi hầu đồng. Những sáng tạo, đổi mới này cần phải thận trọng và phải qua quá trình theo dõi để tránh làm sai lạc, biến tướng di sản”./.