Italy muốn tất cả các nước EU bắt buộc phải nhận đơn tị nạn
Trong bài diễn văn đọc tại Thượng viện Italy ngày 5/6, tân Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte khẳng định, Chính phủ của ông sẽ đấu tranh quyết liệt để buộc Liên minh châu Âu xây dựng một hệ thống phân bổ người tị nạn, tiếp nhận đơn xin tị nạn “một cách tự động” và “bắt buộc” đối với mọi quốc gia thành viên của khối.
Theo ông Conte, nhiều năm qua Italy đã trở thành nạn nhân của sự ích kỷ của nhiều nước khác trong EU và phải một mình gánh chịu các chi phí tài chính cũng như gánh nặng an ninh đến từ dòng người tị nạn ồ ạt đổ về châu Âu từ Trung Đông và Bắc Phi.
Người tị nạn Syria. Ảnh: EPA. |
Trong năm 2017, chỉ riêng Italy đã phải tiếp nhận và xử lý gần 120.000 trong tổng số hơn 170.000 người tị nạn đổ về châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Áo hay Ba Lan thì kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn vào nước mình.
Vì thế, chính phủ mới tại Italy muốn Liên minh châu Âu huỷ bỏ quy định Dublin về việc người tị nạn phải nộp đơn xin tị nạn tại nước châu Âu đầu tiên đặt chân đến, để qua đó buộc tất cả các nước khác thuộc Liên minh san sẻ trách nhiệm. Về phần mình, chính phủ mới của Italy đang siết chặt các quy định về người tị nạn trên đất Italy và dự định trục xuất hàng trăm ngàn người trong 1 năm tới.
Ngoài chủ đề về người tị nạn, ông Giuseppe Conte cũng đề cập đến 2 chính sách quan trọng khác của Italy trong thời gian tới là ưu tiên tăng trưởng để giảm nợ công và ủng hộ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để cải thiện quan hệ với Nga.
Sau bài diễn văn của ông Conte, Thượng viện Italy đã bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ liên minh mới với đa số ủng hộ, gồm 171 phiếu thuận trên 117 phiếu chống.
Trong ngày 6/6, Quốc hội Italy cũng sẽ bỏ phiếu phê chuẩn Chính phủ mới và dự kiến sẽ không có bất ngờ bởi 2 đảng liên minh là Phong trào 5 sao và Liên đoàn phương Bắc đang chiếm đa số tại Quốc hội Italy./.