Hướng tới giá trị gia tăng cao để xuất khẩu bền vững
3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước tăng cao so với dự kiến, đạt gần 45 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kì năm năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi hàng loạt các cam kết tự do hóa thương mại đang dần có hiệu lực và từng bước trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, xuất siêu được cải thiện theo từng năm.
Hướng tới giá trị gia tăng cao để xuất khẩu bền vững (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam còn ở mức thấp và chưa bền vững. Nguyên nhân do phần lớn hàng hóa xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm bảo đảm chất lượng chưa cao. Sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài…
Mặc dù Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song hiện mới chỉ giữ vai trò là mắt xích phụ thuộc chứ chưa đạt đến vai trò mắt xích then chốt. Để thành công trên thương trường các doanh nghiệp cần có chiến lược, hướng đi nhất định.
Là một trong số ít những doanh nghiệp thành công trong công tác xúc tiến thương mại tại gần 40 nước trên thế giới, ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc kinh doanh của TH True milk chia sẻ: "Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu thêm một số thị trường như Lào, Myanmar, Indonesia, những thị trường gần đây để tìm kiếm thêm cơ hội để xuất khẩu và xúc tiến thương mại."
Ông Tín lưu ý: Khi đã xác định đầu tư một mặt hàng nào, nhóm hàng nào thì đều phải đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế và tuân thủ. Khi bắt đầu bán sản phẩm đó trên thị trường là phải đạt mọi tiêu chí cũng như các tiêu chuẩn của WTO cũng như của thế giới.
Nhìn vào số liệu xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm có thể thấy rằng, ngoài các yếu tố thuận lợi, vẫn có một nhân tố tác động 2 chiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đó là yếu tố thị trường. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới, khi nhu cầu thế giới sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương, vấn đề đặt ra hiện nay là chuyển dịch cơ cấu. Hiện nay cơ cấu các mặt hàng đã thay đổi lớn, mặt hàng công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu. Nhưng cả vấn đề công nghiệp và nông nghiệp đều đang gặp khó khăn đó là hàm lượng chế biến không được sâu. Đây là một trong những khâu mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam gặp phải một số vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số ngành hàng rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu, ví dụ như điều, tôm của nước ta đều phải nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, để xuất khẩu bền vững thì việc cải thiện giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu đang được đặt ra khá cấp thiết. Theo đó, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển thị trường.
Để gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước hết, cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hướng đến phát triển ổn định và bền vững các ngành hàng của Việt Nam.
Đã đến lúc cần phải nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm hướng đến phát triển ổn định và bền vững. Song, để làm được điều này, đòi hỏi cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp phải cùng chung tay thực hiện. Trong đó, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa; cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất./.