Hơn 4.300 tỷ đồng tập trung nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội về “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.
4.300 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020
Theo đó, ngoài thuận lợi của việc học ngoại ngữ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Đề án dạy và học ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy học ngoại ngữ ở các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị trực tiếp triển khai Đề án còn chưa đầy đủ...
Một số mục tiêu của Đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữcủa cả nước.
Đề án chưa đảm bảo về thời gian(mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới được triển khai chính thức từ năm 2011) và tài chính (vốn ngân sách nhà nước cấp trong giai đoạn 2008-2015 chỉ đạt 70,3% so với yêu cầu).
Theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí để thực hiện Đề án giai đoạn 2008-2020 là 9.378 tỷ đồng. Kinh phí dự toán để thực hiện Đề án được chia làm 03 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 4.300 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã được huy động để bố trí cho Đề án giai đoạn 2008 - 2015 là 3.829 tỷ đồng, bao gồm 2.198 tỷ đồng vốn trung ương (chiếm tỷ lệ 57,4%) và 1.631 tỷ đồng vốn đối ứng của địa phương và các nguồn tài trợ khác (chiếm tỷ lệ 42,6%), đạt 87,3% kinh phí dự toán của giai đoạn 2011- 2015. Lũy kế đến hết năm 2015, kinh phí của Đề án mới được bố trí đạt 70,3% kinh phí dự toán giai đoạn 2008 - 2015 và đạt 40,83% tổng kinh phí của Đề án.
Bộ trưởng Nhạ cho hay, việc bố trí và sử dụng kinh phí của Đề án thời gian qua cũng còn một số bất cập như kinh phí được giao thực tế còn thấp so với kế hoạch được phê duyệt của cả giai đoạn.
Kế hoạch phân bổ kinh phí cho các địa phương, đơn vị còn khá dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và chưa quan tâm đầy đủ đến các vùng, miền còn khó khăn.
Việc bố trí cơ cấu vốn và triển khai ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý. Nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Một số địa phương khi mua sắm trang thiết bị chưa tính đến điều kiện, khả năng sử dụng, dẫn đến có nơi còn lãng phí...
Xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, tiếp tục triển khai Đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ.
Đồng thời Bộ trưởng Nhạ đưa ra giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai Đề án, cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.
Rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc, làm cơ sở để phát triển sách giáo khoa, giáo trình, thực hiện các hoạt động kiểm tra đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế; xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để đảm bảo sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước.
Xây dựng môi trường thuận lợi như các phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, cộng đồng học tập ngoại ngữ... để hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ như khuyến khích các cơ sở giáo dục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế với các tổ chức ở các quốc gia bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam; thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên, giáo viên tình nguyện với nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên người nước ngoài tham gia đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thu hút sự đóng góp, đầu tư của toàn xã hội cho công tác dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trên cả nước...