Hơn 240 học viên tham dự tập huấn về lý luận quản lý văn học nghệ thuật
Sáng 22/11, tại thành phố Cần Thơ, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lớp tập huấn "Nâng cao trình độ nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay".
Tốp ca nữ Trung tâm Văn hóa và Nhà hát Tây Đô biểu diễn văn nghệ chào mừng |
Hơn 240 học viên công tác ở các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các báo, tạp chí, nhà xuất bản, đài phát thanh - truyền hình thuộc 35 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ tham dự lớp tập huấn này.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ, ông Phạm Gia Túc, Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ đến dự lớp tập huấn.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc lớp tập huấn. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác lãnh đạo về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là từ khi công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay.
Trong quá trình đó, tư duy lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật được tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho các văn nghệ sĩ và công chúng trong, ngoài nước.
Hơn 30 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn học nghệ thuật như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, cũng còn một số mặt yếu kém của một ít tác phẩm văn học, nghệ thuật mang thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại.
Hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Lý luận văn học, nghệ thuật mác - xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò, giá trị. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác….
Các học viên tham dự lớp tập huấn. |
Do vậy mục đích của lớp tập huấn lần này nhằm cung cấp thông tin về tình hình văn học, nghệ thuật nói chung, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng; giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo văn học nghệ thuật, đội ngũ những người hoạt động báo chí chuyên sâu về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nắm bắt tình hình, có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp để phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới.
Trong thời gian ba ngày, (từ 22-25/11/2017) các học viên được nghe những chuyên đề về: Quán triệt đường lối, quan điểm văn học nghệ thuật của Đảng trong tình hình hiện nay; Thông tin về tình hình sân khấu, điện ảnh; tình hình lý luận, phê bình văn học, tình hình sáng tác văn học, âm nhạc, báo chí, xuất bản và kỷ năng viết bài phê bình văn học, nghệ thuật...
Bên cạnh đó, các đại biểu, học viên tập trung trao đổi kinh nghiệm xung quanh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xử lý các tình huống diễn ra trong thực tế; kỹ năng phê bình và năng lực lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay...
Qua đó, giúp các học viên nắm vững các quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật nói chung và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng; trên cơ sở đó, vận dụng có hiệu quả vào công tác và hoạt động văn học, nghệ thuật của mình, góp phần tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong hoạt động văn học, nghệ thuật, góp sức làm lành mạnh đời sống văn hóa-văn nghệ của đất nước cũng như của từng ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương./.