Hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao phải ban hành Luật CSB Việt Nam?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng CSB Việt Nam và sửa đổi năm 2008 quy định CSB là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam.
Qua 20 năm thực hiện pháp lệnh, CSB Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, do hiện nay, tình hình trên biển tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của CSB ngày một nặng nề, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có hành lang pháp lý đủ mạnh. Trong khi đó, Pháp lệnh lực lượng CSB Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của CSB trong tình hình mới. Do vậy, việc xây dựng Luật CSB Việt Nam là cấp bách và cần thiết nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam. Luật cũng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển và bảo đảm sự tương đồng với pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn. |
PV: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về nguyên tắc tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB theo dự thảo luật vừa được trình Quốc hội?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Điều 5, dự thảo luật quy định “CSB Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của CSB Việt Nam” nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang (LLVT); phù hợp Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc phòng quy định hoạt động quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Về vị trí, chức năng của CSB tại dự thảo Luật CSB Việt Nam lần này là bước thể chế hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: “Xây dựng LLVT, nòng cốt là hải quân, không quân, CSB, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia; kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSB Việt Nam năm 2008.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tàu cá đánh bắt xa bờ TH 91168TS. Ảnh: Lê Thu Trang. |
PV: Có ý kiến cho rằng còn có sự chồng chéo về nhiệm vụ trong dự thảo luật, đồng chí có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Pháp lệnh lực lượng CSB hiện nay quy định CSB hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Kế thừa pháp lệnh hiện hành, phạm vi hoạt động của CSB được quy định tại Điều 11 dự thảo luật. Theo đó, CSB là lực lượng đa chức năng, thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc phối hợp tại khoản 5, Điều 24: “Trên cùng một vùng biển, đối với những vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng thì lực lượng nào phát hiện trước, lực lượng đó phải tiến hành xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền của mình và chuyển hồ sơ cho lực lượng có chức năng, nhiệm vụ chủ trì giải quyết”. Pháp luật hiện hành quy định Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển; CSB là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Về vấn đề này, dự thảo luật quy định tại khoản 2, Điều 23: “Việc phối hợp giữa CSB và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”. Thực tiễn, thời gian qua CSB và BĐBP đã phối hợp tốt, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, không để khoảng trống về quản lý, bảo vệ biển, đảo. Vì vậy, nhiệm vụ của CSB và BĐBP không có sự chồng chéo trong dự thảo Luật CSB Việt Nam.
PV: Về quản lý Nhà nước và việc phối hợp hoạt động đối với CSB được quy định trong dự thảo luật lần này như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Việc quy định vai trò quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với CSB như dự thảo luật bảo đảm phù hợp với các Điều 95, 99 Hiến pháp năm 2013 và các Điều 32, 33, 37 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Dự thảo luật quy định Chính phủ thống nhất về quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với CSB, nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành hoạt động của CSB.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!