Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có trọng tâm, chọn lọc
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước Quốc hội chiều nay (23/5), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần xây dựng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện tại Chương II của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, quy định các nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ chung cho các DNNVV là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các DNNVV như hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án Luật hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng là DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang "khát” vốn để trưởng thành (Ảnh minh họa: KT) |
Được biết, trong thời gian tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, giới kinh doanh đánh giá rằng: Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc nhận diện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (gồm: tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (gồm: chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, dự thảo này chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động, đóng góp hơn 40% GDP, và 31% vào tổng số thu ngân sách./.