Sớm đưa Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn
Khó khăn lớn nhất đối với Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập là nguồn nhân lực. |
Duy trì tốt hoạt động sản xuất, tiềm năng để mở rộng thị trường là rất lớn, thế nhưng khó khăn lớn nhất đối với Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, một doanh nghiệp tư nhân chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống thang máy nhập khẩu lại chính là nguồn nhân lực. Đầu tư hệ thống máy móc hiện đại lên đến vài chục tỷ đồng, thế nhưng doanh nghiệp vẫn chẳng thể tuyển được kỹ sư tay nghề cao để vận hành, mặc dù có đầy đủ các chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập cho hay: "Các hình ảnh quảng bá còn thiếu, khó khăn nhất là tuyển dụng. Ngoài ra, lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu sản xuất lại rất khan hiếm”.
Mục tiêu mở rộng quy mô để trở thành doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng cho các công ty nước ngoài vẫn đang phải bỏ ngỏ bởi rất nhiều lý do, trong đó có chất lượng lao động. Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong thời gian vừa qua cho thấy, không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù, đã có không ít nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, thậm chí cả quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng là chưa nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên. |
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Số doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay quỹ rất ít, Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc về tài sản thế chấp khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn".
Khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực... Tới đây, khi Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 được triển khai, những vướng mắc đó sẽ phần nào được giải quyết bằng các giải pháp đặc thù. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề án cũng xác định các mục tiêu rất cụ thể, như: hơn 800 doanh nghiệp được thành lập mới hàng năm, phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp số vào năm 2025 và trên 3.000 doanh nghiệp số vào năm 2030, khoảng 2.200 doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn pháp luật, vận dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Bà Hà Thị Tuyết, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dịch vụ pháp lý 4.0 nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về nguồn nhân lực, hỗ trợ về kinh phí, hạ tầng để chúng tôi có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số”.
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyêncho hay: “Chúng tôi rất phấn khởi bởi sẽ có những đột phá hơn, có những giải pháp tốt hơn để giúp cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Chúng tôi mong muốn Đề án hỗ trợ đi vào thực tiễn".
Tạo động lực phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 chính là bước cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích hình thành các cụm, ngành sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực, làm cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Là một trong 20 nội dung quan trọng được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp mới đây, Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng sẽ đem đến nguồn sinh lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt là khi những khó khăn, vướng mắc được đánh giá, nhìn nhận đúng và trúng sẽ tạo cơ sở để giải quyết, mang lại ý nghĩa thực tiễn khi triển khai thực hiện./.