HLV Alfred Riedl và giấc mơ vô địch Đông Nam Á dang dở
Thật ra thì thất bại của Indonesia được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl trước Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2016 là thất bại đã được báo trước, bởi đơn giản Thái Lan quá mạnh so với Indonesia nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung.
Chính vì thế, thất bại năm 2016 cũng là thất bại dễ nuốt trôi nhất đối với vị HLV người Áo. Điều đáng tiếc duy nhất, nếu có, đối với HLV Alfred Riedl chỉ là ông chuẩn bị nghỉ hưu, rời Đông Nam Á để quy cố hương mà chưa một lần chạm đến bộ HCV của bóng đá khu vực, cả ở đấu trường AFF Cup lẫn SEA Games.
18 năm trước, cựu “chiếc giày vàng” châu Âu khởi đầu cho hành trình gắn bó với bóng đá Đông Nam Á bằng vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Năm đó, đội tuyển của HLV Alfred Riedl thậm chí còn thắng cả đội bóng số 1 khu vực là Thái Lan đến 3-0 trong trận bán kết ở sân Hàng Đẫy.
HLV Alfred Riedl vẫn mãi dang dở với giấc mơ vàng Đông Nam Á |
Nhưng trong trận chung kết cũng trên sân Hàng Đẫy sau đó ít ngày, dù được đánh giá cao hơn, nhưng đội tuyển Việt Nam của HLV Alfred Riedl lại thất bại trước Singapore, với bàn thắng khó hình dung từ cái... lưng của trung vệ Sasi Kumar.
Sau đó 12 năm, ông Riedl lại có mặt trong trận chung kết AFF Cup 2010. Indonesia của vị HLV người Áo tiếp tục được đánh giá cao hơn Malaysia, nhưng thất bại với tỷ số quá đậm 0-3 ở sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur – Malaysia) đã khiến cho nhiệm vụ lật ngược thế cờ của Indonesia trong trận lượt về, trở thành nhiệm vụ bất khả thi (Indonesia chỉ thắng lại 2-1 tại sân Bung Kano ở Jakarta, chung cuộc thua 2-4).
3 lần vào chung kết AFF Cup, thua cả 3, 3 lần vào chung kết SEA Games vào các năm 1999, 2003 và 2005 của HLV Alfred Riedl cũng chỉ toàn thất bại. Cả 3 trận thua ở chung kết SEA Games của vị HLV người Áo đều cùng với đội tuyển Việt Nam hoặc đội tuyển U23 Việt Nam, và đều thua trước cùng đối thủ Thái Lan.
Lần đầu vào năm 1999, khi đội tuyển Việt Nam lúc đấy cực kỳ đồng đều của thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Như Thuần, Đỗ Khải... với hàng phòng ngự từ đầu cho đến trước trận chung kết không thủng lưới bàn nào. Nhưng đến chung kết lại thua 2 bàn trước Thái Lan.
Lần thứ nhì vào năm 2003, ở sân Mỹ Đình, với một Phạm Văn Quyến đang ở đỉnh cao phong độ, cùng Quốc Vượng sáng giá nơi tuyến giữa, nhưng U23 Việt Nam của HLV Riedl tiếp tục thua Thái Lan.
Lần thứ ba cũng là lần đáng nhớ nhất, vẫn lại một trận thua trước Thái Lan, sau đó là scandal dàn tỷ số của các cầu thủ Việt Nam bị phanh phui, khiến Phạm Văn Quyến cùng Quốc Vượng bắt đầu thui chột từ thời điểm đấy.
3 lần hiện diện ở trận chung kết AFF Cup, cùng 3 lần có mặt trong trận chung kết SEA Games, cộng thêm 1 lần khác cùng đội tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2007, hẳn HLV Alfred Riedl không kém tài. Chỉ có điều ông chưa phải là HLV tài năng nhất từng làm việc tại Đông Nam Á, hoặc chưa phải là HLV tài năng nhất của bóng đá khu vực ở những thời điểm cụ thể vừa nêu.
Điều khác, có lẽ là vị HLV người Áo quá vô duyên với ngôi đầu bóng đá Đông Nam Á, ở cả 2 cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23. Ông có thể nâng tầm đội bóng do ông dẫn dắt, từ chỗ là đội yếu, trở thành đội khá, như việc từng đưa U23 Lào vào bán kết SEA Games năm 2009 (lần duy nhất của bóng đá Lào), nhưng không thể biến đội bóng đấy thành đội mạnh nhất.
18 năm thăng trầm cùng bóng đá Đông Nam Á, HLV Alfred Riedl có lẽ cũng là một phần lịch sử của bóng đá khu vực này, một phần lịch sử của AFF Cup. Vị HLV người Áo cũng từng cố gắng thay đổi lịch sử của giải đấu, thay đổi cán cân quyền lực của bóng đá Đông Nam Á, khi ông muốn kéo cán cân quyền lực đấy ra xa Thái Lan, nhưng sau 18 năm, với ông, đấy vẫn chỉ là giấc mơ dang dở...