Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 4
Doanh nghiệp bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ
Nghị định 23 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4 nêu rõ, bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Cụ thể, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Nghị định nêu rõ, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư.
Khu chung cư cao cấp ở TP HCM vừa xảy ra cháy nổ khiến 13 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương |
Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Quy định chênh lệch điểm trúng tuyển đại học
Thông tư 07 của Bộ Giáo dục và đào tạo bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ 16/4.
Theo thông tư mới mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Theo thông tư mới mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm) |
Theo Quy chế sửa đổi, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Về tổ chức xét tuyển, Thông tư 07 nêu rõ, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân; đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Điều kiện xét thăng hạng viên chức giảng dạy đại học công lập
Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, có hiệu lực kể từ ngày 27/4.
Thông tư quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ giảng viên (hạng III) lên giảng viên chính (hạng II) và từ giảng viên chính (hạng II) lên giảng viên cao cấp (hạng I).
Quy định này cũng nêu rõ điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp…
Quy định mới về quản lý tên miền tại Việt Nam
Nghị định số 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4. Nghị định mới đưa các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” từ Thông tư lên Nghị định cho phù hợp quy định của Luật Đầu tư.
Cụ thể, Nghị định 27 đã đưa vào những nội dung liên quan đến điều kiện và thủ tục hành chính về kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”; thủ tục hành chính liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam quy định tại Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015; đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Thông tư để đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ và nhất quán với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Sử dụng bản ghi âm, ghi hình với mục đích thương mại phải trả tiền
Từ ngày 10/4, Nghị định 22/2018 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định chi tiết Luật sở hữu trí tuệ (sửa đổi) nêu rõ: Tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo mục đích thương mại đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định. Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo Điều lệ và văn bản ủy quyền.