Giữ quy mô siêu nhỏ - Doanh nghiệp khó cạnh tranh
Doanh nghiệp Việt Nam nếu cứ giữ quy mô siêu nhỏ sẽ khó cạnh tranh. Cần thiết phải có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích nguồn lực đầu tư đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là ý kiến đã được đưa ra tại Hội thảo Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra mới đây, do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức.
Hiện nay, lượng doanh nghiệp tư nhân vẫn đang gia tăng, nhưng quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân kể từ khi luật doanh nghiệp ra đời đến nay là không lớn. Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ rất cần được tạo điều kiện phát triển, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. (Ảnh minh họa: KT) |
Khảo sát của Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ khoảng 33% doanh nghiệp cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên, 35% phản ánh là khó tiếp cận, số còn lại cho biết không thể tiếp cận. 3 năm gần đây không có trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa nào được bảo lãnh vay qua Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nếu cứ giữ quy mô siêu nhỏ do đó cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo ông Lê Văn Anh, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được trình lên Quốc hội và sẽ được xem xét thông qua trong các kỳ họp tới là tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp, cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên Luật này cần thống nhất với các luật chuyên ngành khác, để tránh xảy ra mâu thuẫn.
“Vấn đề đặt ra là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là lát cắt, cắt qua các luật khác không, có thể không bị các luật khác điều chỉnh không. Hiện nay Dự thảo luật quy định trích dẫn sang thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu sửa thuế thu nhập doanh nghiệp thì là vấn đề lớn. Hoặc hỗ trợ mặt bằng lại trích dẫn sang luật đất đai, nếu sửa luật đất đai thì cũng là vấn đề lớn”, ông Anh nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng.
Theo đó, ngân hàng cung cấp khoản vay với lãi suất, thời hạn phù hợp với quy mô, đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ quỹ. Xây dựng hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương…
Ngoài ra, còn có giải pháp giảm thuế thu nhập. Hiện tại thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khối này là 20%/năm, trong Luật đề xuất giảm xuống 17%/năm, siêu nhỏ là 15%/năm. Theo tính toán, nếu áp dụng mức giảm thuế này trong 5 năm thì thất thu ngân sách nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đấy chỉ là hụt thu. Thực tế, khi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng là nuôi dưỡng nguồn thu, trong bối cảnh thu từ tài nguyên ngày càng giảm.
Để đạt được mục tiêu cuối năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, hoạt động nên tinh thần kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có 3 chương trình trọng tâm gồm hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
“Hiện Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người nếu tận dụng được nguồn lực này rất tốt. Ngoài ra còn có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ cụm liên kết ngành chuỗi giá trị. Cục Phát triển Doanh nghiệp kỳ vọng với những chương trình này, một đồng ngân sách bỏ ra sẽ có hiệu quả lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cương chỉ rõ./.