Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016
Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát tại Sở Nội vụ . Ảnh: Vũ Trung |
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã được nghe đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tài nguyên môi trường báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của đơn vị trong giai đoạn 2011-2016. Theo đó, đối với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2011-2016, không có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức (gồm Ban Giám đốc, 9 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 1 Chi cục và 11 đơn vị sự nghiệp). Nhưng đã được giao bổ sung chức năng, nhiệm vụ và đổi tên một số mô hình đơn vị sự nghiệp trực thuộc, việc đổi mới phương thức làm việc được quan tâm thực hiện với trên 90 thủ tục hành chính được giải quyết tại Bộ phận một cửa.
Đối với Sở Tài nguyên - Môi trường, từ năm 2011-2016, đã có 1 lần thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy (Hiện nay gồm Ban Giám đốc, 8 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 7 đơn vị trực thuộc); đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai theo mô hình một cấp. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc đã được thực hiện như: công bố Bộ thủ tục hành chính gồm 71 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4,…
Đối với Sở Nội vụ, sau các lần chuyển đổi, chia tách, sáp nhập theo quy định, hiện ngoài Ban Giám đốc, Sở có 8 phòng chuyên môn và 2 đơn vị trực thuộc. Bộ phận một cửa với 57 thủ tục hành chính được duy trì hiệu quả, trong đó có 10 thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, tổ chức, bộ máy của Sở Nội vụ còn cồng kềnh, chưa gọn nhẹ, hiệu quả. Nhìn chung, việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, công tác đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ và tinh giản biên chế ở cả 3 sở đều được thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định hiện hành.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những nội dung mà Đoàn Giám sát đặt ra về: giải pháp thực hiện Đề án tinh giản biên chế gắn với việc thực hiện Đề án vị trí việc làm; số lượng lao động hợp đồng và việc đảm bảo chế độ, chính sách đối với đối tượng lao động này; căn cứ và cơ sở cho việc đề nghị bổ sung biên chế; cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc các sở; sự cần thiết và tính hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, hiệu quả của hoạt động thanh tra công vụ…
Kết luận buổi giám sát, thay mặt đoàn, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đơn vị. Các ý kiến kiến nghị, trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc sẽ được Đoàn Giám sát tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền.