Giám sát kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai
Bà con nhân dân vui mừng khi được bố trí tái định cư nơi ở mới khang trang, thuận tiện

Khốn khổ vì thường xuyên bị ngập lụt là tình cảnh của nhiều hộ dân cư trú dọc bờ sông Cầu, khu vực phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên vài năm về trước. Từ cuối năm 2020, khi khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng ở khu vực này được xây dựng, bàn giao và đi vào sử dụng, đã mang lại niềm vui lớn cho các hộ dân nơi đây.

Bà Trần Thị Ngọc, Khu tái định cư tập trung phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên vui mừng nói: "Từ khi Nhà nước tạo điều kiện cho gia đình về đây sinh sống thì ai cũng vui, phấn khởi vì đường xá đi lại dễ dàng, không bị ngập lụt nữa".

Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng xã Tân Phú (nay là phường Tân Phú) có tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 3,3ha, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 55 hộ dân. Đến nay, đã có hơn 30 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới và từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là các hộ dân đều chưa được cấp Quyền sử dụng đất và dù hạ tầng cơ bản đã được đầu tư, nhưng khu tái định cư lại chưa được lắp đặt hệ thống nước sạch.

Ông Trần Văn Khuyên, Khu tái định cư tập trung phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên mong muốn: "Bây giờ chúng tôi rất cần có Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, vì bây giờ làm nhà ai cũng phải vay mượn, thế nhưng phải có bìa đỏ, chúng tôi mới vay được tiền".

Trả lời kiến nghị của người dân, Ông Lê Ngọc Kha, Chủ tịch UBND phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên cho biết: "Chúng tôi đã có danh sách của từng hộ đăng ký sử dụng nước sạch, trong tuần tới chúng tôi sẽ mời Công ty nước sạch về giải quyết dứt điểm khó khăn này cho bà con nhân dân, về vấn đề cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho khu tái định cư, trách nhiệm của UBND phường Tân Phú chúng tôi đã hoàn chỉnh tất cả những hồ sơ để chuyển lên Ủy ban nhân dân thành phố Phổ Yên, đồng thời chúng tôi cũng tích cực có ý kiến với thành phố để thành phố sớm bàn giao Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho dân ".

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý, đặc biệt là các dãy núi bao bọc, nên huyện Đại Từ thường có lượng mưa lớn nhất tỉnh, trung bình lượng mưa hàng năm từ 1.800mm - 2.000mm. Đây cũng là một trong những địa phương có số lượng suối, khe nhiều nhất trên địa bàn. Thêm vào đó, địa hình đồi dốc lớn, nên vào mùa mưa, nhiều khu vực trên địa bàn huyện thường xuyên rơi vào cảnh ngập úng, sạt lở đất, đá,… gây chia cắt và ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Đơn cử như, riêng trên địa bàn xã Tân Linh đã có 2 điểm thường xuyên bị ngập lụt và xói lở do mưa lũ, là: tại khu vực cầu tràn xóm 5 và trường THCS Tân Linh.

Giám sát kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai

Cô Vũ Thị Phương, Hiệu trưởng trường THCS Tân Linh, huyện Đại Từ chia sẻ sự khó khăn của nhà trường:ường cao ngang với cửa sổ của nhà trường, đồng thời trường cũng tiếp giáp với hai mặt suối, địa bàn chũng cho nên cứ mưa bão là sân trường ngập khoảng 1m, trong lớp cũng ngập bùn bẩn, rất khó khăn, vất vả".

Ông Trần Hữu Đức, xóm 5, xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết sự nguy hiểm khi mưa lũ về: "Có tháng 3-4 trận lũ,nước ngập mênh mông, ngập cả bãi chè, nước rất to kéo theo cả cây, que".

Ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết mong muốn, đề xuất của địa phương: "Về phía địa phương rất mong muốn dự án được triển khai tổ chức thực hiện nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo hoạt động của các trường học cũng như các công trình giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại".

Trước thực trạng này, căn cứ tờ trình của UBND tỉnh, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 6 xã (Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh và Ký Phú) thuộc huyện Đại Từ, gồm: các hạng mục, công trình xây dựng hoặc nâng cấp đường tràn liên hợp cống hộp, cầu tràn thoát lũ; sửa chữ kè chống sạt lở. Kinh phí đầu tư là 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, sau gần 2 năm được phê duyệt, đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện.

Ông Cao Xuân Thắng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện Đại Từ: "Đề nghị các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn để triển khai thực hiện đối với 6 công trình của 6 xã này".

Giám sát kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai
Kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai

Tại Hội nghị giám sát mới đây về tình hình dân cư sinh sống ở nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra thiên thai cần bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh từ 2016 đến nay, căn cứ kết quả khảo sát thực tế, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế liên quan, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh nhiều nội dung để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình, dự án chưa được bố trí vốn. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện di dời tái định cư ra khỏi vùng thiên tai, nguy cơ xảy ra thiên tai. Đồng thời, rà soát đánh giá, sớm khắc phục tồn tại hạn chế; thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong dự án… Đồng chí cũng giao Ban Dân tộc tổng hợp các ý kiến kiến nghị để báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp tới./.