Giảm xe công thì sắp xếp đội ngũ lái xe dôi dư vào đâu?
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Một trong những nội dung của Chỉ thị là yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung; phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Chỉ thị của Thủ tướng, bởi hiện nay vấn đề sử dụng xe công còn lãng phí.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng |
Theo lộ trình thì Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành xây dựng đề án, trong đó phải đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sử dụng xe công hiện nay như thế nào, rồi vấn đề về lao động, an sinh xã hội, đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm cho đội ngũ lái xe hiện nay của các bộ ngành, các cơ quan nhà nước Trung ương, cũng như của địa phương.
“Vấn đề giảm xe công, có thể xem xét đưa số xe dôi dư để đấu giá. Theo tôi vấn đề quan trọng là giải quyết công ăn việc làm cho những lao động dôi dư đang là lái xe trong các cơ quan nhà nước. Cần phải nghiên cứu kỹ về tính đặc thù của đội ngũ lái xe này để đào tạo lại nhằm sắp xếp, nếu không đáp ứng được sẽ thực hiện tinh giản” – ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh hai yếu tố liên quan đến vấn đề này là phương tiện và người lao động.
Về phương tiện, theo ông Thắng, sau khi rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng của từng cơ quan thì số xe cần phải giảm sẽ mang ra đấu giá để thu lại một phần tài sản cho nhà nước.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu phương thức khoán xe công phù hợp với thực tế để khuyến khích những người có tiêu chuẩn sử dụng xe công thực hiện việc khoán xe. Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ việc mua sắm xe công để tránh tăng số xe công trong tương lai.
Đặc biệt là qua việc giảm xe công sẽ đồng nghĩa việc dư thừa lái xe, do vậy sắp xếp lại đội ngũ lao động là rất quan trọng. Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đối với những trường hợp lái xe đã có thâm niên công tác, nhiều tuổi thì nên khuyến khích họ xin nghỉ hưu trước tuổi. Còn đối với những lái xe còn nhiều thời gian công tác thì nên có phương án đào tạo để chuyển đổi nghề hay bố trí lại công việc khác, nếu không đáp ứng được thì cơ quan, đơn vị nên mạnh dạn chấm dứt hợp đồng để tinh giản biên chế.
“Để thực hiện được Chỉ thị của Thủ tướng đến năm 2020 thì chỉ còn hơn 3 năm nữa, do vậy cần có một quyết tâm chính trị rất lớn của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch -Đầu tư và Bộ Nội vụ phải sớm có hướng dẫn, lộ trình cụ thể trong mỗi năm giảm bao nhiêu xe, bao nhiêu người thì mới thực hiện theo mục tiêu đã đề ra” – đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh./.