Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng hơn 4,14%
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản sản phát biểu chỉ đạo hội nghị

Năm 2022, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: dịch COVID-19 những tháng đầu năm diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp - PTNT, chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, các nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: giá trị sản xuấ, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt gần 15.300 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch tăng 4,14% so với năm 2021; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt trên 120 triệu đồng/ha, bằng 102,7% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt là gần 460.000 tấn, bằng 104,7% kế hoạch; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 212.000 tấn, bằng 134,7% kế hoạch…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: diện tích cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ còn khiêm tốn; chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả sản xuất nông nghiệp của địa phương, đơn vị, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường quản lý chất lượng và xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy sản nâng; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thúc đẩy kết nối, tiêu thụ nông sản…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được. Đồng chí đề nghị ngành Nông nghiệp cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; bố trí nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, liên kết sản xuất; duy trì và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, sản xuất an toàn, hữu cơ, phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm...