Giả thuyết mới về tín hiệu 'Wow!' nghi của người ngoài hành tinh
Tiến sĩ Jerry Ehman viết chữ "Wow!" cạnh bản in tín hiệu nghi do người ngoài hành tinh phát ra. Ảnh: Wikimedia |
Antonio Paris, giáo sư thiên văn tại Đại học Saint Petersburg ở Florida, Mỹ, vừa đưa ra giả thuyết mới cho rằng tín hiệu "Wow!" nổi tiếng bắt nguồn từ một sao chổi bay ngang qua chứ không phải do người ngoài hành tinh phát ra, Mother Nature Network hôm 1/6 đưa tin.
"Tôi nghĩ ra ý tưởng khi đang lái xe. Tôi tự hỏi liệu một thiên thể di chuyển đủ nhanh có thể là nguồn phát tín hiệu hay không", Paris cho biết.
Tín hiệu "Wow!" được tiến sĩ Jerry Ehman phát hiện năm 1977 khi đang tham gia dự án Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI). Tín hiệu sóng vô tuyến lạ kéo dài 72 giây và không bao giờ lặp lại. Nó được gọi là Wow! bởi đây là từ mà Ehman viết trên bản in của tín hiệu, theo Mother Nature Network. Tín hiệu dường như đến từ chòm sao Sagittarius, cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng tín hiệu "Wow!" là thông điệp đầu tiên mà chúng ta ghi nhận được từ người ngoài hành tinh. Nhưng theo New Scientist, giả thuyết mới của Paris có thể giải đáp nguồn gốc của tín hiệu không gian này.
Paris nhận thấy hai sao chổi 266P/Christensen và P/2008 Y2 (Gibbs) đều có quỹ đạo ở vùng lân cận của chòm sao Sagittarius vào ngày ghi nhận tín hiệu "Wow!". Cả hai sao chổi này chỉ được con người phát hiện vào năm 2006 và 2008.
Khi các sao chổi tiến lại đủ gần Mặt Trời, chúng giải phóng rất nhiều hydro. Nhiều khả năng hydro được giải phóng theo cách này sẽ phát ra bước sóng tương tự như tín hiệu "Wow!".
Sao chổi 266P/Christensen bay qua khu vực chòm sao Sagittarius một lần nữa vào ngày 25/1/2017, còn sao chổi P/2008 Y2 (Gibbs) sẽ tiến tới vị trí này vào ngày 7/1/2018. Đây là cơ hội để các nhà khoa học phân tích lại cả hai sao chổi, nhằm xem xét tín hiệu sao chổi phát ra có trùng khớp với tín hiệu "Wow!" hay không.
Lê Hùng