Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 mở cửa miễn phí 10 buổi hòa nhạc
Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Việt Nam được vinh dự đăng cai Festival Âm nhạc mới Á-Âu. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 thì: “Sự thành công của Festival Âm nhạc Á-Âu lần thứ nhất 2014 đã khiến các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế hài lòng. Họ đều có nguyện vọng là được có mặt tại Việt Nam trong những dịp Festival tiếp theo. Bởi vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Festival có 1 nước được đăng cai 2 lần liên tiếp – đó là Việt Nam”.
Năm nay, Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 với chủ đề “Âm nhạc – Hội tụ và lan tỏa” sẽ diễn ra từ ngày 12-18/10 tại Hà Nội và thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Gần 100 tác phẩm sẽ được biểu diễn trong 11 buổi hòa nhạc chính với các thể loại từ Giao hưởng, Thính phòng, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng đến ca khúc nhạc đại chúng. Ngoài ra còn có 2 buổi hội thảo với chủ đề: “Cây đàn bầu Việt Nam” và “ Giao lưu âm nhạc mới Á-Âu”.
Họp báo giới thiệu Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016. |
Cũng trong thời gian diễn ra Festival, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng thời đăng cai Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34. Hội nghị được tổ chức thường niên và mỗi quốc gia sẽ thay phiên đăng cai.
Đây là một cơ hội thuận lợi để giới thiệu những thành tựu của nền âm nhạc cách mạng, âm nhạc mới của Việt Nam, quảng bá những tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây còn là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài giới thiệu những tác phẩm Âm nhạc đương đại, những xu hướng phát triển Âm nhạc của các nước Á - Âu. Bên cạnh đó, là dịp để bạn bè hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, về nền văn hóa, âm nhạc lâu đời của dân tộc ta, góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Trong buổi họp báo giới thiệu Festival vào sáng 5/10 tại Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết thêm: “Nhờ sự thành công của Festival trước, lần này chúng tôi đã nhận được số lượng lên tới 200 tác phẩm và lựa chọn 100 tác phẩm của nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia châu Á – châu Âu để diễn trong Festival. Nhạc không lời là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống âm nhạc của một đất nước nhưng nó vẫn chưa được quan tâm đúng tầm. Festival tạo cơ hội để chúng ta giới thiệu xu hướng âm nhạc mới tới đông đảo công chúng và chứng minh cho thế giới thấy trình độ nhạc công của chúng ta như thế nào”.
Nhạc sĩ Đõ Hồng Quân |
Việc dàn dựng gần 100 tác phẩm trong thời gian ngắn đã tạo sự khó khăn không chỉ về công tác tổ chức mà còn với việc luyện tập của các nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó là các nghệ sĩ như NSND Nguyễn Thiếu Hoa (chỉ huy), NSND Nguyễn Thế Dân (đàn nhị), NSƯT Bùi Công Duy (Violon), ca sĩ Đào Tố Loan (Soprano)...
Trao đổi với phóng viên, NSND Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết: “Dàn nhạc phải luyện tập cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị cho Festival. Thời gian gấp rút cũng như độ khó, sự đa dạng của các tác phẩm khiến chúng tôi phải rất nỗ lực. Có những nhạc cụ chúng ta không có thì phải đi mượn, thậm chí là tự chế để đảm bảo chuyển tải được tối đa ý đồ của tác phẩm. Dù vất vả nhưng được tham gia Festival là một cơ hội quý báu để học hỏi, cũng để chứng minh trình độ nhạc công của Việt Nam không kém thế giới”.
NSND Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. |
Điểm mới trong Festival năm nay là việc đưa được nhạc cụ dân tộc Việt Nam vào trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là đàn bầu. Trong đó, có 2 tác phẩm của nhạc sĩ Hong Kong và Australia viết riêng cho đàn bầu Việt Nam. Bên cạnh đó là một số nhạc cụ dân tộc của các quốc gia khác.
Ngoại trừ Lễ khai mạc, toàn bộ các buổi hòa nhạc trong Festival Âm nhạc mới Á-Âu đều được mở cửa miễn phí cho công chúng – như một nỗ lực để mang khí nhạc đến gần hơn với khán giả./.
Chương trình hòa nhạc chính của Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016
1. Lễ khai mạc và chương trình Hòa nhạc giao hưởng: 20h tại Nhà hát Lớn (Hà Nội)
2. Hòa nhạc các nhạc sĩ trẻ Việt Nam: 10h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
3. Hòa nhạc Asia/America New Music Institude: 20h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
4. Hòa nhạc Thính phòng số 1 “Solo-Duo and Trio”: 10h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
5. Hòa nhạc Thính phòng số 2 “Emsemble”: 20h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
6. Cuộc thi sáng tác của các tác giả trẻ ACL: 10h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
7. Hòa nhạc Thính phòng số 3. “Chamber Orchestra”: 20h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
8. Hòa nhạc Thính phòng số 4. “Solo and Quartet”: 10h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
9. Hòa nhạc Thính phòng số 5. “Asia – Europe” Night of Music: 20h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
10. Hòa nhạc “Giai điệu bạn bè”: 20h tại Nhà hát Vĩnh Phúc
11. Gala Bế mạc: 20h tại Phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.