Trả lời VOV.VN, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) xác nhận việc cơ quan này mua sắm tập trung hơn 155.000 các biển báo an toàn lưới điện, trạm biến áp điện, số tiền mua các thiết bị này sẽ tính vào chi phí của giá điện.

Theo ông Hà Tiến Dũng – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty điện lực miền Bắc cho biết, những biển cảnh báo này được sử dụng chủ yếu cho các trạm biến áp, cột điện kết cấu thép hình là những nơi không thể sơn trực tiếp biển cảnh báo lên được.

evn mien bac noi gi ve viec mua bien canh bao 31 ty dong

EVN NPC khẳng định việc mua báo cảnh báo an toàn bằng thép phản quang là nhằm tăng cường đảm bảo an toàn điện. Ảnh Phi Long

Trả lời câu hỏi “chi phí mua sắm biển báo cảnh báo an toàn này có tính vào giá điện không”, ông Hà Tiến Dũng nói “có tính”. Theo ông Dũng, tất cả các chi phí (đầu vào) liên quan đến mua sắm thiết bị truyền tải, vận hành, đảm bảo an toàn lưới điện... đều được hạch toán và đưa vào tính chi phí cho giá điện.

"Việc mua các biển phản quang cảnh báo nguy hiểm này cũng nằm trong việc chi phí mua sắm vật tư thiết bị ngành điện và dĩ nhiên phải tính vào giá thành điện".

evn mien bac noi gi ve viec mua bien canh bao 31 ty dong

Theo EVN miền Bắc lý giải, những cột điện thép hình không thể sơn trực tiếp lên cột được nên phải sử dụng biển in bằng thép sơn phản quang cảnh báo nguy hiểm.

Còn trong công văn do ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc EVN NPC gửi VOV.VN cho biết, hiện nay EVN NPC đang áp dụng biển báo cảnh báo an toàn theo các hình thức như: sơn trực tiếp trên cột, dán đề can trên cột, in chìm trên cột, biển báo làm bằng thép sơn phản quang. Với hơn 500.000 cột điện trung, cao thế và các trạm biến áp, 155.000 biển báo nguy hiểm này chỉ chiếm gần 30% số cột, trạm biến áp đơn vị đang quản lý.

Các biển báo này được thực hiện treo tại các trạm biến áp 110kV, 220kV, cột điện kết cấu thép hình mà không thể sơn trực tiếp lên được.

Ông Tuấn cho biết thêm, qua theo dõi quá trình vận hành thực tế, với địa hình quản lý có 13 tỉnh miền núi, các tỉnh ven biển có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các biển báo theo hình thức sơn trực tiếp trên cột, dán đề can,... bộc lộ những nhược điểm như: dễ bong tróc, ăn mòn ở những nơi điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường bị cộng đồng sơn quảng cáo khác đè lên, đêm tối hoặc ở những vị trí đông dân cư khó nhận biệt do không có sơn phản quang.

Do đó, hai năm trở lại đây, NPC tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung các biển báo an toàn điện với với tổng giá trị dự toán mua sắm theo kế hoạch năm 2015-2016 là hơn 52 tỉ đồng. Trong đó gói thầu số 1 (có giá trị hơn 31 tỷ đồng) mua sắm biển báo “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” với số lượng 155.000 biển báo bằng thép sơn phản quang.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, 70% số lượng vị trí cột điện các loại còn lại vẫn đang sử dụng biển cảnh báo an toàn cũ gồm các loại biển sơn trên cột, biển đề can.

Liên quan tới gói thầu mua sắm biển báo: “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người”, ông Hà Tiến Dũng – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty điện lực miền Bắc khẳng định EVN NBC tổ chức đầu thầu công khai, đúng quy định pháp luật, giá đơn vị trúng thầu cũng là giá thầu cạnh tranh./.