EVFTA: 'Chìa khoá' giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng
EVFTA sẽ mở ra cánh cửa lớn về thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Liên minh châu Âu (EU) không chỉ là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam mà còn là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Dự báo khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được ký kết trong thời gian sắp tới sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn cho doanh nghiệp.
Cơ hội lớn hơn cho xuất khẩu
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU.
Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì EVFTA là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Theo hiệp định này, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ được loại bỏ thuế hoàn toàn ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Chuyên gia kinh tế Quang San, người nhiều năm nghiên cứu thị trường EU cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải cách cơ cấu kinh tế, trong đó Nhà nước khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất cũng như xuất khẩu.
Và để thực hiện mục tiêu đó thì để thu hút đầu tư từ liên minh châu Âu, một đối tác với nguồn vốn dồi dào, đặc biệt là có công nghệ cao và thị trường lớn nhất thế giới sẽ là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa.
Thêm vào đó, trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam có thể đánh giá, xem xét rộng hơn không chỉ là các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất mà kèm với đó là các hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động công nghiệp.
Ông đơn cử, hoạt động tư vấn thiết kế, hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động phát triển công nghiệp môi trường, một trong những lĩnh vực rất quạn trọng luôn gắn với việc phát triển đầu tư để phát triển kinh tế một cách bền vững.
“Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam có điều kiện và nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế trong nước không chỉ với Liên minh châu Âu mà cả với các đối tác khác trên thế giới,” chuyên gia Quang San cho hay.
Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế của Việt Nam với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp, nên cơ hội rất đáng kể nếu tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường tốt.
Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân nhận xét, EVFTA khi được thông qua sẽ tốt cho Việt Nam nhiều hơn là tác động ngược, bởi hai bên đều phải mở cửa thị trường.
“Chúng ta đang nhìn thấy lượng hàng hóa của Việt Nam đưa sang thị trường châu Âu rất lợi thế, hầu như không bị cạnh tranh của hàng hóa từ châu Âu vào Việt Nam,” tiến sỹ Hoàng Văn Cường nói.
- Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU từ đầu năm 2019:
Phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU hơn 18,72 tỷ USD hàng hóa, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, châu Âu xuất khẩu sang Việt Nam cũng vượt con số 6,96 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, tính trong 5 tháng, Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường này hơn 11,7 tỷ USD.
Nói về hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai của Dệt may Việt Nam chỉ sau Mỹ và luôn luôn có tăng trưởng hàng năm từ 7-10%.
“Khi gia nhập EVFTA thì hàng Dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy với thị trường này chắc chắn doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Tương tự với ngành da giày, xuất khẩu của Việt Nam đang có ưu thế rất lớn tại thị trường EU. Đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được giảm thuế khá sâu khi xuất khẩu vào EU, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi-xách (lefaso) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã tạo ra được những bộ sưu tập và những bộ thiết kế để chào tới các khách hàng, từ đó khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm.
“Chúng ta đã dần dần đi từng bước một, từ lúc đầu phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu thiết kế của khách hàng thì nay chúng ta đã cùng với khách hàng thiết kế và có doanh nghiệp đã tự xây dựng được bộ thiết kế để chào cho khách hàng,” Phó Chủ tịch lefaso thông tin thêm.
Tuy vậy, theo tiến sỹ Hoàng Văn Cường, để đứng chân trên thị trường châu Âu thông thường phải đạt những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ, truy suất nguồn gốc… song đây cũng là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
“Khi tháo gỡ được các rào cản đó thì doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt là phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thế giới và muốn làm được thì doanh nghiệp không thể quá nhỏ lẻ mà cần phải đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư quy mô lớn thì mới vươn ra được thế giới,” Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý./.