“Đừng để người dân chỉ có bệnh mới đến khám” là tinh thần chung toát lên từ buổi làm việc của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, các bộ ngành với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, cán bộ y tế và nhân dân xã Đức Minh về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực trạng hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh vào ngày 12/3.

Hạ tầng đã có…

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ông Ong Thế Viên cho biết: hiện cả 230 Trạm y tế xã (TYT) trong tỉnh đã có máy siêu âm và đặc biệt có máy tính kết nối mạng để thanh quyết toán với cơ quan Bảo hiểm y tế hằng ngày. Một số trạm đã có thêm máy xét nghiệm sinh hóa cơ bản, điện tim, ghế làm răng....

Về tổ chức quản lý và điều trị ngoại trú, cấp thuốc hàng tháng cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, Bắc Giang được đánh giá là một trong những tỉnh làm tốt, như quản lý 100% cấp phát thuốc cho bệnh nhân động kinh, tâm thần; bệnh tăng huyết áp là gần 90% (203 trạm) và sẽ triển khai thí điểm quản lý bệnh nhân đái tháo đường tại 15 TYT xã trong năm 2017 (đã có 6 TYT xã triển khai năm 2016).

Ghi nhận điều này, Phó Thủ tướng đánh giá TYT xã Minh Đức (Bắc Giang) là Trạm Y tế tốt so với toàn quốc vì khám tới 6.000 lượt/năm, thay vì chỉ vài chục lượt/năm ở nhiều TYT khác.

Trong khi đó, báo cáo với Phó thủ tướng về hạ tầng viễn thông, đại diện một tập đoàn công nghệ hàng đầu khẳng định, hiện Việt Nam đang có mạng 4G lớn nhất và tốt nhất thế giới. Và trong giai đoạn 2017-2020, tập đoàn này sẽ thực hiện mục tiêu xóa mù internet, trang bị máy smartphone với giá rẻ cho người dân cũng như xây dựng hệ tri thức về nông lâm nghiệp, y tế; miễn phí mạng khi người dân truy cập thông tin về giáo dục sức khỏe.

dung de nguoi dan chi co benh moi den kham

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất sâu sát với từng hoạt động của Trạm Y tế xã Minh Đức

… chỉ thiếu chính sách phù hợp?

Mặc dù cơ sở vật chất khang trang, hạ tầng viễn thông đồng bộ là vậy nhưng ngay tại 1 TYT được đánh giá là tốt như TYT xã Đức Minh, một cán bộ y tế trẻ đã thẳng thắn bày tỏ: Chúng tôi có năng lực, muốn phục vụ nhân dân càng nhiều càng tốt nhưng không thể vì quá mức BHYT chi là bị xuất toán nên chúng tôi chỉ biết “bó tay”.

Khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi về khó khăn nhất hiện nay của Trạm, Bác sĩ Hoàng Văn Tuân, Trạm Trưởng cũng cho rằng nhiều bệnh trạm hoàn toàn có thể chữa được nhưng do các dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán còn thấp nên người dân lên tuyến huyện thay vì đến TYT xã.

Trong khi đó tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, ông Ong Đức Viên, khẳng định: “Thực tế nhiều người dân rất muốn được cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… ngay tại xã để đỡ mất công lên bệnh viện huyện cách đó 30-40 km.

Vậy nhưng do kinh phí dành cho hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại y tế tuyến xã rất hạn hẹp, đặc biệt, với mức chi không quá 20% quỹ đã không thể khuyến khích được việc phát triển và cung cấp y tế có chất lượng cho người dân".

Theo đó, ông Viên đề xuất: Cần có cơ chế mới về tài chính để triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã tránh tình trạng “dù cơ sở có, cán bộ có nhưng không làm được”.

Đây cũng là vấn đề được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm. Ngay trong chuyến thăm TYT xã Minh Đức, Phó thủ tướng đã hỏi rất kỹ người dân, cán bộ y tế trạm và cả các lãnh đạo ngành về nội dung này.

Phó thủ tướng đặt vấn đề tại hội nghị: Vì sao chủ trương đưa việc quản lý các bệnh mãn tính về địa phương đã có từ cách đây 10 năm mà đến nay chưa thể nhân rộng? Trong khi đó, nhóm đối tượng này (bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường đường, tim mạch…- PV) chiếm 70% tổng chi phí BHYT.

“Chúng ta đầu tư cho y tế xã cũng rất khang trang nhưng triển khai khó khăn thế. Bởi luật, chính sách BHYT đã không chi cho việc phòng bệnh. Rồi hạn mức chi thấp nên dù xây trạm rất khang trang, có máy móc, có bác sĩ nhưng người dân không đến…”, Phó Thủ tướng nhận định.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đề nghị được triển khai ngay kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân tại TYT xã sau khi biết về chủ trương và quá trình thực hiện thí điểm chủ trương lớn này tại Phú Thọ, Bắc Ninh và hiện đang triển khai thí điểm tại Hà Nội.

dung de nguoi dan chi co benh moi den kham

Ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải (ảnh trên) chi sẻ rất thật: “Đến bản thân tôi còn không biết nhóm máu của mình là gì”. Theo ông Bùi Văn Hải, với người dân, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa (đi khám không cần thẻ), với cán bộ y tế, cần tạo điều kiện hết sức, “làm được gì thì cho làm”, chứ không nên đưa ra các quy định, gây ra những rào cản không đáng có.

“Nếu được giao thêm công việc thăm khám định kỳ, chăm sóc, tư vấn sức khỏe ban đầu cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn có thể đảm nhận được. Mỗi người dân được theo sức khỏe sát hơn... Không chỉ là thêm việc, thêm thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn mà người dân sẽ tin tưởng hơn, đến với trạm nhiều hơn”, bác sĩ Hoàng Văn Tuân khẳng định với Phó Thủ tướng.

Trên thực tế, trao đổi với chúng tôi, những người dân đến khám tại Trạm Y tế xã Đức Minh cũng đều bày tỏ mong muốn được khám gần nhà với chất lượng dịch vụ y tế tốt và đặc biệt ủng hộ việc khám bệnh định kỳ.

Đưa con nhỏ đến khám hô hấp, chị Vũ Thị Hằng (36 tuổi, thôn Chùa) cho biết chị thường đến TYT xã Minh Đức do hay bị tiền đình, con cái hay ốm vặt. Nhưng riêng bố chồng chị thì ít khi đi khám và thường tự mua thuốc uống. Vậy nên nếu có chương trình khám sức khỏe định kỳ, gia đình sẽ bớt lo lắng về tình hình sức khỏe của ông.

dung de nguoi dan chi co benh moi den kham

Trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và mong muốn của người dân xã Minh Đức, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam hoàn toàn ủng hộ và lưu ý Tỉnh cần tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các tỉnh thành.

Phó Thủ Tướng cũng lưu ý việc lập hồ sơ, bệnh án, sổ y bạ điện tử là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước (y tế, bảo hiểm xã hội) và phải làm rất thận trọng, lâu dài, với nhiều giải pháp kỹ thuật phức tạp để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ nhằm phục vụ cho việc quản lý mô hình bệnh tật.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ý nghĩa lớn hơn của Kế hoạch Quản lý sức khỏe toàn dân này không chỉ là sổ khám bệnh điện tử (biết được quá trình bệnh tật của cá nhân như thế nào) mà là để những người dân chưa bao giờ đi khám được biết về tình hình sức khỏe của mình, nếu phát hiện ra bệnh sẽ được tư vấn và điều trị sớm, điều trị khỏi… thay vì chỉ đến viện khi bệnh đã nặng cũng như xem chuyện mờ mắt ở tuổi già là bình thường…