Đức kêu gọi G7 có một quan điểm thống nhất về Syria
Phiên thảo luận của các Ngoại trưởng G7 lần này sẽ mở đường cho một Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 tới, dự kiến có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại hội nghị G7. Ảnh: The Independent. |
Với chủ đề xoay quanh cuộc khủng hoảng Syria, nước chủ nhà của Hội nghị G7 – Italy đã mời Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordan và Qatar cùng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 để thảo luận vấn đề Syria.
Hội nghị thảo luận về phản ứng của nhóm này đối với vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước ở Syria mà theo cáo buộc của phương Tây là do lực lượng của Tổng thống Syria Basar al-Assad tiến hành.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, bây giờ chính là lúc bàn về việc cộng đồng quốc tế cùng với Nga, Iran, Saudi Arabia, châu Âu cùng với Mỹ sẽ hướng tới tiến trình hòa bình cho Syria như thế nào và làm thế nào để tránh xung đột quân sự.
“Tôi nghĩ chúng ta cần thể hiện quan điểm thống nhất và trong các cuộc đàm phán”, ông nói. “Chúng ta cần nỗ lực để Nga có thể tác động tới chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ít nhất là khiến họ sẵn sàng tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháo chính trị, một lệnh ngừng bắn và một tiến trình chính trị, các cuộc bầu cử để đạt được một Syria dân chủ và tự do. Đó là mục tiêu quan trọng.”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết các Ngoại trưởng G7 đang tính đến việc áp đặt những lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân ở Nga do sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Anh lâu nay là một trong những nước mạnh mẽ kêu gọi đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn mới đối với Nga.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 11/4 cho biết, Chính phủ Canada có thể đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu cộng đồng quốc tế thúc đẩy điều đó.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 9/4 nói rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thảo luận về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Iran về việc hai nước này ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Basar al-Assad.
“Canada sẵn sàng cùng với cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga”, ông Trudeau nêu rõ:
“Tôi nghĩ nước Nga cần phải biết điều này và họ cần phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong những hành động của chính quyền Assad.
Do đó chúng tôi luôn hợp tác một cách cởi mở với những người bạn, các đồng minh và đối tác nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng, thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Nga”.
Canada cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Nga với cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nga luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số nước châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt./.