Đối phó với Mỹ, Trung Quốc xoay sang công cụ tài chính
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo giới kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3/2018, ông Liu Kun, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết, các động thái “phản pháo” của Trung Quốc có thể giúp tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại nước này.
Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ tài chính |
Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tác động chưa đáng kể đến kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên thất nghiệp và rủi ro sinh kế của người dân là điều có thể xảy ra.
Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu công để hỗ trợ người lao động và người thất nghiệp do chiến tranh thương mại, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết.
Năm nay, các địa phương ở Trung Quốc sẽ phát hành trái phiếu để tăng đầu tư vào hạ tầng, dự kiến khoảng 1 nghìn tỉ Nhân dân tệ (145 tỉ USD) sẽ được huy động từ trái phiếu vào cuối quý này.
Xung đột thương mại leo thang khi ngày 23/8 Mỹ và Trung Quốc đã tung đòn giáng thuế vào hàng hóa của nhau.
Từ đầu tháng 7/2018, hai nước đã đánh thuế lên 100 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu.
“Trung Quốc không muốn tham gia vào chiến tranh thương mại nhưng chúng tôi cần phải có hành động đáp trả những biện pháp thuế quan bất hợp lý của phía Mỹ”, ông Liu nói.
“Nếu Mỹ vẫn khăng khăng áp đặt các biện pháp thuế quan như vậy, Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả tương ứng để bảo vệ lợi ích trong nước.”
Đến nay, Trung Quốc đã áp và đề xuất áp thuế lên 110 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu, hầu hết là hàng hóa nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, hai mặt hàng chủ lực của Mỹ là dầu thô và máy bay cỡ lớn vẫn chưa phải chịu đòn trả đũa thuế quan của Trung Quốc.
Ngày 23/8, cuộc đàm phán thương mại giữa quan chức cấp trung của hai nước đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tín hiệu tích cực nào.
Theo Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ có những biện pháp thật chính xác. Tuy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên khác nhau nhưng Trung Quốc sẽ có các biện pháp tương ứng.
Đối pháp rao sao?
Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, các biện pháp thuế quan gần đây của Mỹ tác động không đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xung đột thương mại vẫn tiếp tục, các tác động sẽ rõ rệt hơn.
Theo ông Liu, vấn đề việc làm mới là điều đáng lo ngại bởi nhiều lao động có thể bị mất việc làm, các công ty cũng bị ảnh hưởng, xuất khẩu sụt giảm và hệ lụy là cắt giảm sản xuất.
Theo khảo sát đô thị của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp nước này đã tăng lên 5,1% so với mức 4,8% trong tháng 6. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp năm 2018 dưới mức 5,5%.
Trung Quốc dự kiến tăng chi tiêu tài chính để hỗ trợ người lao động hoặc người bị mất việc khi Mỹ tăng cường các biện pháp thuế quan.
"Chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ để hỗ trợ người thất nghiệp tìm được việc làm mới, qua đó đảm bảo an sinh xã hội”, ông Liu nói.
Ông Liu nhận định, việc tăng chi tiêu tài chính sẽ không phá vỡ chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2018 (chiếm 2,6% tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng vì nền kinh tế có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đầu tháng 8/2018, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Theo đó, các địa phương được phép phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động 1,35 nghìn tỷ Nhân dân tệ (196 tỷ USD) trong năm 2018.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã huy động được 300 tỷ Nhân dân tệ qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Theo ông Liu, ba việc mà Trung Quốc cần làm tốt là cắt giảm thuế và phí, duy trì chi tiêu tài chính và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Năm nay, dự kiến giá trị cắt giảm thuế và phí của Trung Quốc sẽ đạt hơn 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, vượt xa dự báo của Chính phủ.
Từ đầu tháng 5/2018, Trung Quốc đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng trong nhiều lĩnh vực, gồm: sản xuất, giao thông, xây dựng, viễn thông và nông nghiệp./.