Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy
Để tạo hứng thú cho các em học sinh, ngoài việc sử dụng bản đồ thì giáo viên còn sử dụng những clip liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử để trình chiếu |
Trong giờ học môn Lịch sử của cô và trò lớp 6, Trường THCS Bình Thuận, huyện Đại Từ, để tạo hứng thú cho các em học sinh, ngoài việc sử dụng bản đồ thì giáo viên còn sử dụng những clip liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử để trình chiếu; từ đó, giúp học sinh có thể dễ nhớ, dễ hiểu hơn về những vấn đề lịch sử.
Cô giáo Triệu Thị Thanh, Trường THCS Bình Thuận, huyện Đại Từ chia sẻ: "Đối với từng tiết dạy, giáo viên chú ý đến khai thác chân dung của nhân vật, đưa âm nhạc vào nội dung bài học, kết hợp đưa những tư liệu bằng hình ảnh qua sử dụng video, phim tài liệu, phim hoạt hình để tạo hứng thú học tập cho các em".
Ngoài việc đổi mới, biên soạn sách giáo khoa theo hướng trình bày hấp dẫn, các giáo viên cũng cần tự nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy. |
Lịch sử là môn học có nhiều sự kiện mốc thời gian. Tranh ảnh trong sách giáo khoa ít, chưa thực sự bắt mắt, cùng với đó, nhiều học sinh quan niệm Lịch sử là môn học thuộc lòng nên rất ngại học. Do đó, để thu hút học sinh yêu thích môn học này, ngoài việc đổi mới, biên soạn sách giáo khoa theo hướng trình bày hấp dẫn, các giáo viên cũng cần tự nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Em Trần Ngọc Nhi, lớp Sử 12, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho hay: "Theo em khi học tốt môn Lịch sử thì không cần nhớ y nguyên những gì sách giáo khoa đề cập, mà chỉ cần hiểu bản chất vấn đề. Khi hiểu rồi thì có thể diễn đạt lại theo ý mình, như vậy sẽ rất dễ thuộc".
Cô giáo Đinh Thị Thu Hương, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: "Phương pháp mà nhóm Lịch sử sử dụng đó là tạo sự thoải mái cho học sinh khi tiếp thu kiến thức, hướng học sinh vào những hoạt động cụ thể để phát huy năng lực, sự tự chủ của học sinh".
Thay đổi phương pháp dạy học là giải pháp quan trọng để học sinh đến gần hơn với môn lịch sử. Bằng chứng là tại Thái Nguyên, sự đổi mới đó đã giúp nhiều năm liền tỉnh có học sinh đạt giải cao tại các Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Do vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử thông qua nhiều thể loại như: phim, ảnh, truyện tranh, pa nô, áp phích... để thu hút học sinh./.