Doanh nghiệp vận tải than khổ vì phí chồng phí
Chiều 27/12, tại buổi tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn TPHCM, các doanh nghiệp nêu hàng loạt khó khăn trong quá trình hoạt động, trong đó bị tác động nhiều nhất là phí chồng phí và “khủng hoảng thừa”.
Ông Nguyễn Văn Chánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho biết năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển, cảng sông tại thành phố đều tăng so với cùng kỳ năm trước (lần lượt là 4,5% và 12%). Sản lượng hàng hóa đường bộ (ước đạt 406 triệu tấn) tăng 7,5% so với với cùng kỳ năm 2016.
Tuyến đường vành đai 2 tập trung lượng xe container và xe tải lớn, thường xuyên ùn tắc giao thông |
Trong khi lượng hàng hóa tăng vừa phải thì số lượng phương tiện lại tăng cao. Cụ thể, thống kê trên địa bàn thành phố trong năm nay, xe container tăng 27,8%, xe tải từ 3,5 tấn trở nên tăng 76%.
Bên cạnh đó, ngành kinh doanh vận tải hàng hóa thành phố vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ năng lực vận tải cho đến tính cạnh tranh không lành mạnh, cùng các quy định về thủ tục hành chính chưa phù hợp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng những vấn đề trên đã gây mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực vận tải, tạo “khủng hoảng thừa”.
Để tồn tại và giữ chân khách hàng, các doanh nghiệp vận tải phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức như giảm 50% mức giá so với trước hoặc thấp hơn giá thành. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đối phó bằng việc chở hàng quá tải để duy trì hoạt động, có doanh nghiệp phải bán bớt phương tiện, mất đi nhiều khách hàng.
Trong đó, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp bức xúc nhất là các trạm BOT trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận đang khá dày khiến doanh nghiệp đi đâu cũng phải đóng phí BOT. Trong khi doanh nghiệp vốn đã phải chịu phí bảo trì đường bộ mỗi năm, dẫn đến cảnh “phí chồng phí”.
Theo tính toán của doanh nghiệp, hiện mỗi đầu xe phải chịu chi phí cố định hàng tháng khoảng từ 20-25 triệu đồng (bao gồm phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm, dịch vụ định vị, phí bến bãi, phí BOT…).
Theo tính toán, trên một số tuyến đường chi phí để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu cung cấp cho xe vận hành theo lộ trình.
Do đó, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại thành phố đã kiến nghị các cơ quan chức năng giảm phí bảo trì đường bộ, phí qua các trạm BOT trên địa bàn thành phố xuống 30% so với mức phí hiện nay.
Ông Lâm Đại Vinh, chủ công ty vận tải Lâm Vinh, phản ánh: “Thời gian qua nhiều trạm thu phí BOT ở trong nước đã giảm phí cho phương tiện nhưng tôi không hiểu sao tại 5 trạm BOT của thành phố vẫn chưa giảm”.
Theo ông Vinh, điều bất hợp lý là mặc dù doanh nghiệp đóng phí đầy đủ nhưng lại không được hưởng lợi ích từ điều này, đường sá thì chưa thông thoáng khiến doanh nghiệp hoạt động khó khăn.
Ông Vinh dẫn chứng khi qua nút giao thông Mỹ Thủy (vào cảng Cát Lái, quận 2) bị kẹt xe đến 4 tiếng: “Xe không chạy được nhưng vẫn phải nổ máy nên không chỉ phát sinh chi phí về xăng dầu, sức khỏe tài xế mà còn làm ô nhiễm môi trường. Kẹt xe còn khiến doanh nghiệp giao hàng trễ hẹn, làm mất uy tín”.
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng trạm thu phí ở TPHCM và khu vực lân cận khá dày. Trong ảnh: Trạm thu phí xa lộ Hà Nội |
Chủ một doanh nghiệp cũng phản ánh việc đóng phí bảo trì đường bộ còn bất hợp lý. Ông cho biết phí hơn 17 triệu đồng/năm đối với xe đầu kéo có tổng trọng lượng 40.000 tấn trở lên là quá cao.
Theo ông, trên thực tế các xe chỉ hoạt động trung bình 9 tháng/năm nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng phí cho cả năm.
Giải đáp phản ánh của các doanh nghiệp, ông Trần Quang Lâm – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM – cho biết, thành phố rất quan tâm đến những khó khăn mà hiện nay doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang gặp phải.
Theo ông Lâm, về vấn đề chi phí bảo trì đường bộ, phí tại các trạm BOT cao, Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát, điều chỉnh giảm phí. Sở GTVT đang kiến nghị lên UBND TP để có lộ trình giảm phí thích hợp.
Việc kẹt xe ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, ông Lâm lý giải rằng hạ tầng giao thông thành phố hiện còn nhiều khó khăn dẫn đến ùn tắc.
Theo đó, các ngành chức năng đang tích cực nâng cấp nhiều đoạn đường, xây dựng nhiều công trình giao thông, đặc biệt là khu vực xung quanh cảng Cát Lái để nút giao thông Mỹ Thuỷ, đường Vành đai 2 sẽ sớm đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, nhu cầu vận tải hàng hoá ra vào cảng.