Điểm sự kiện từ ngày 9/9 đến ngày 15/9/2024
* Tin tức, sự kiện thế giới tuần qua: Bầu cử Mỹ 2024: Tác động từ cuộc tranh luận tổng thống đến bầu cử Mỹ 2024; Xung đột Nga-Ukraine: Tâm điểm giao tranh vẫn nằm trên hướng Kursk và Donetsk; Báo Đức: Ukraine sẵn sàng ngừng bắn ở một số khu vực; Hamas kêu gọi thiết lập 'chính quyền Palestine thống nhất' tại Gaza; Ít nhất 5 người tử vong, 4 người mất tích do bão Boris ở Trung và Đông Âu; EU 'chia rẽ' về việc áp thuế xe điện Trung Quốc;…
- Cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã cho thấy một cuộc đối đầu căng thẳng, thể hiện rõ sự phân cực trong chính trị Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp tại thành phố Philadelphia tối 10/9/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Theo hãng tin AP ngày 13/9, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump hôm 10/9 (giờ Mỹ) vừa qua đã mang đến một cuộc đối đầu kịch tính, đánh dấu một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Sự kiện này không chỉ làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa hai ứng cử viên về các vấn đề như phá thai, nhập cư, và nền dân chủ, mà còn phản ánh sự phân cực chính trị hiện tại của nước Mỹ.
Trong suốt cuộc tranh luận, bà Harris đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ chống lại ông Trump, không ngần ngại khiêu khích ông bằng những lời nhắc nhở về thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 - một kết quả mà cựu Tổng thống Trump vẫn từ chối chấp nhận. Bà liên tục chế giễu những tuyên bố sai sự thật của ông Trump và nhấn mạnh vai trò của ông trong việc Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai trên toàn quốc 2 năm trước. Đối mặt với những chỉ trích này, ông Trump đã phản công bằng cách chỉ trích bà Harris là quá tự do, cho rằng bà chỉ là sự tiếp nối của chính quyền không được lòng dân của Tổng thống Joe Biden.
Cuộc tranh luận diễn ra chỉ còn chưa đầy hai tháng trước Ngày bầu cử (5/11) và ngay trước khi các lá phiếu sớm bắt đầu được gửi qua đường bưu điện tại Alabama, tạo ra một thời điểm quan trọng để các cử tri đánh giá sự khác biệt giữa hai ứng cử viên. Bà Harris dường như cố gắng định vị bản thân như một sự lựa chọn giải tỏa cho những cử tri muốn thoát khỏi chính trị đầy tranh cãi của ông Trump. Sự tương phản này được làm nổi bật qua các lập luận của bà Harris, khiến ông Trump mất tập trung và đi lệch khỏi các chủ đề chính trong chiến dịch của mình.
Giáo sư truyền thông chính trị Ben Warner, người đã theo dõi cuộc tranh luận cùng sinh viên tại Đại học Missouri, cho biết bà Harris đã thành công trong việc ngăn chặn ông Trump tập trung vào các vấn đề then chốt như nhập cư và lạm phát. Thay vào đó, ông Trump liên tục quay lại bảo vệ bản thân về cuộc bầu cử năm 2020 và vai trò của ông vào ngày 6/1/2020 (thời điểm những người biểu tình ủng hộ ông Trump tràn vào toà nhà Quốc hội Mỹ). "Đó là lần đầu tiên chúng ta thấy ông Trump đi chệch hướng. Ông ấy nên nhấn mạnh một trong những vấn đề tốt nhất của mình, nhưng lại nói về các cuộc vận động", Giáo sư Warner nhận xét.
Ông Trump, mặc dù liên tục ở thế phòng thủ, đã tìm cách thúc đẩy thông điệp cốt lõi của chiến dịch rằng lạm phát và nhập cư đang gây tổn thương cho người Mỹ. Ông cho rằng những người nhập cư đã "phá hủy cấu trúc của đất nước," và liên tục gắn kết bà Harris với Tổng thống đương nhiệm Jo Biden. "Bà ấy là Biden", ông Trump khẳng định, nhấn mạnh rằng lạm phát và nền kinh tế là vấn đề mà bà Harris không thể thoát khỏi. Phó Tổng thống Harris, đáp trả mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng bà không phải là Joe Biden hay Donald Trump, mà đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Kết quả các cuộc thăm dò nhanh sau cuộc tranh luận cho thấy khoảng 6 trong số 10 người xem cho rằng bà Harris đã thể hiện tốt hơn, vượt quá mong đợi của họ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận dường như không có ảnh hưởng lớn đến quyết định bỏ phiếu của cử tri, với nhiều người vẫn giữ nguyên quan điểm trước và sau sự kiện. Bà Harris đã cải thiện nhẹ về mặt tỷ lệ những người có cái nhìn tích cực về bà, đặc biệt là ở khả năng xử lý vấn đề phá thai và bảo vệ nền dân chủ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn giữ vững lợi thế về kinh tế và nhập cư - những vấn đề mà ông cho là đang làm khổ người dân Mỹ.
Cuộc tranh luận này đã củng cố vai trò của của bà Harris như một ứng cử viên đại diện cho sự thay đổi và một hướng đi mới cho nước Mỹ, trong khi ông Trump tiếp tục đóng vai trò là người bảo vệ các giá trị truyền thống và kinh tế của đảng Cộng hòa. Mặc dù tác động trực tiếp đến lá phiếu của cử tri là không rõ ràng, cuộc tranh luận đã mang lại cho cử tri một cái nhìn sâu sắc hơn về hai ứng cử viên, định hình nhận thức về cuộc đua giành chức tổng thống.
Như giáo sư Warner nhận định, các cuộc tranh luận có thể không thay đổi hoàn toàn cục diện chiến dịch tranh cử, nhưng chúng luôn có giá trị trong việc giúp người xem hiểu rõ hơn về ứng cử viên và các vấn đề quan trọng. Trong một cuộc bầu cử đầy biến động, cuộc tranh luận này đã giúp định hình thêm bức tranh tổng thể về cuộc đua đến Nhà Trắng năm 2024.
- Nhà chức trách các nước ở Trung và Đông Âu ngày 15/9 thông báo ít nhất 5 người đã thiệt mạng ở Ba Lan và Romania khi cơn bão Boris quần thảo khu vực này với những trận mưa như trút nước và lũ lụt.
Nước sông Biala Ladecka dâng cao do mưa lớn, tràn vào thị trấn Ladek-Zdroj, miền Tây Nam Ba Lan ngày 14/9/2024. Ảnh: PAP/TTXVN |
Kể từ ngày 12/9, gió lớn và mưa lũ bất thường tấn công nhiều vùng của Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Slovakia. Cơn bão đã khiến 4 người ở Romania thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán trên khắp lục địa.
Phát biểu với báo giới vào sáng 15/9, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do đuối nước tại khu vực Klodzko giáp giới với Cộng hòa Séc.
Thủ tướng Tusk đang thị sát khu vực Tây Nam đất nước, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Khoảng 1.600 người đã được sơ tán ở Klodzko. Chính phủ Ba Lan đã huy động quân đội để hỗ trợ lính cứu hỏa tại địa phương.
Hôm 14/9, Ba Lan đã đóng cửa khẩu biên giới Golkowice với Cộng hòa Séc sau khi một con sông tràn bờ, đồng thời phong tỏa một số tuyến đường và tạm dừng các chuyến tàu nối 2 thành phố Prudnik và Nysa.
Tại Cộng hòa Séc, cảnh sát cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm 4 người mất tích, bao gồm 3 người bên trong chiếc ô tô bị cuốn xuống sông ở thành phố Lipova-Lazne, Đông Bắc nước này, và một người đàn ông khác bị lũ cuốn trôi ở khu vực Đông Nam. Trong khi đó, một con đập ở miền Nam Cộng hòa Séc đã bị vỡ, gây ngập lụt các thị trấn và làng mạc ở hạ lưu.
Trước đó, ngày 14/9, giới chức Romania cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 5.000 ngôi nhà bị hư hại trong trận lụt ở Đông Nam nước này. Cơ quan cứu hộ sở tại đã công bố một đoạn video cho thấy những ngôi nhà bị ngập lụt ở một ngôi làng bên sông Danube. Hàng trăm người đã được giải cứu ở 19 vùng của Romania.
Tại Áo, một số khu vực ở vùng Đông Bắc đã được tuyên bố là khu vực thiên tai. Một số khu vực của bang Tyrol chứng kiến lượng tuyết rơi dày tới 1m - một hiện tượng bất thường vào giữa tháng 9, sau khi nhiệt độ lên tới 30 độ C vào tuần trước. Các dịch vụ đường sắt đã bị đình chỉ ở khu vực miền Đông nước này vào sáng sớm 15/9, trong khi một số tuyến tàu điện ngầm cũng bị đóng cửa tại thủ đô Vienna, nơi sông Wien đang có nguy cơ tràn bờ.
Nước láng giềng Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Bratislava. Dự báo mưa lớn sẽ tiếp diễn cho đến ít nhất là ngày 16/9 tại Cộng hòa Séc và Ba Lan.
* Sự kiện trong nước tuần qua từ ngày 9/9 đến ngày 15/9, cả nước hướng về vùng lũ miền Bắc, chung tay khắc phục thiệt hại hậu quả cơn bão số 3 Yagi gây ra, sẻ chia những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh...
- Tính đến nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do cơn bão số 3 Yagi gây ra tại các tỉnh miền Bắc đã bước sang ngày thứ 7. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sạt lở, ngập lụt vẫn có thể diễn ra tại nhiều địa phương.
Diện tích lúa bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Phương Anh/TTXVN |
Đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai.
Ước tính chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân.
- Trong tuần, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng ảnh hưởng tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tại các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đối với những vùng còn ngập hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo các tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Thống kê của các địa phương bước đầu xác định, bão lũ đã gây thiệt hại về tài sản tại tỉnh Tuyên Quang ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng, tại tỉnh Phú Thọ khoảng 250 tỷ đồng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ; đồng thời khẳng định, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang, Phú Thọ, mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
- Ngày 12/9, sau khi thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ, khiến 95 người chết và mất tích để thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân và thăm hỏi, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trực tiếp lội xuống đầm lầy, động viên lực lượng đang tìm kiếm người bị mất tích do lũ cuốn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí thêm lực lượng, phương tiện, kể cả sử dụng chó nghiệp vụ, thay đổi phương pháp, tranh thủ thời gian sớm tìm kiếm người mất tích. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia buồn sâu sâu sắc với các gia đình có người thân thiệt mạng, mất tích, bị thiệt về tài sản, động viên các gia đình vượt qua đau thương, mất mát. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục lại giao thông, với tinh thần “Trung ương lo Quốc lộ, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo đường thôn, xã”; khẩn trương khôi phục trường lớp, đón học sinh đến trường trở lại.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất, hỗ trợ chỗ ở cho người dân, riêng với người dân Làng Nủ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024; đồng thời, lo công ăn, việc làm, sinh kế, bố trí đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chung tay chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết” và quyết định chi 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ Lào Cai khắc phục hậu quả bão lũ.
- Trước, trong và sau bão số 3, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Chuyển hàng cứu trợ từ trực thăng xuống vùng lũ thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thông tấn Quân sự/TTXVN |
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như các Công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trong bão lũ, hơn 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an, cùng hàng chục nghìn trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; quân đội đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, hơn 10.100 phương tiện các loại, hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng… kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra…
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyên góp, ủng hộ, đến 17 giờ ngày 14/9, số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 1.001 tỷ đồng, để kịp thời trao đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng lũ, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục đến chia sẻ với những khó khăn, động viên nhân dân; đồng thời, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ... Rất nhiều cá nhân, tập thể đã và đang quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt... Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc gian khó…
- Đến 17 giờ ngày 13/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương 775,5 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã có quyết định phân bổ và làm thủ tục chuyển tiền đến Ban Cứu trợ các địa phương đợt một là 388,5 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại, Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương ở vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã công bố bước đầu hơn 12.000 bản sao kê danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, qua tài khoản ngân hàng của Vietcombank từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024 và hơn 2.000 bản sao kê qua số tài khoản Vietinbank từ ngày 10/9 đến ngày 12/9/2024 để xã hội và nhân dân cùng giám sát. Với tinh thần công khai, minh bạch, Ban Cứu trợ Trung ương đang tiếp tục cập nhật và sẽ tiếp tục công bố bản sao kê danh sách chuyển khoản qua các ngân hàng và ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trân trọng cảm ơn những tấm lòng, sự sẻ chia quý giá của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cam kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ sử dụng kinh phí ủng hộ đúng mục đích, có hiệu quả, phân bổ kịp thời, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, để số tiền tiếp nhận đến nhanh nhất với người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... trong đó nổi bật là sự kiện lũ lụt và công tác khắc phục hậu quả.
Trong suốt gần một tuần qua, bão, mưa lớn, lũ lụt đã tràn qua các tỉnh phía Bắc để lại hậu quả nặng nề. Thái Nguyên, mảnh đất vốn ít phải gánh chịu tác động của thiên tai cũng đã phải chống chọi với một trận lụt lịch sử mà trong nhiều chục năm qua, chúng ta chưa từng phải đối mặt. Nước ngập sâu, bủa vây nhiều khu vực trung tâm của TP Thái Nguyên và các địa phương trong tỉnh, người dân phải sơ tán, di chuyển tài sản khẩn cấp trong đêm. Trước rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên đã đoàn kết một lòng, cùng nhau vượt khó. Đó chính là điểm tựa, là sức mạnh mềm để chúng ta chiến thắng thiên tai địch họa.
Ngay trong đêm 8/9, cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ngay trong đêm 8/9, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai các biện pháp cấp bách kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cùng dân quân được huy động để gia cố, đảm bảo an toàn các tuyến đê. Xuyên đêm, các lực lượng chức năng sử dụng ca nô, xuồng máy, áo phao… đi sâu vào các ngõ, đến tận các gia đình hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ra khỏi khu vực ngập lụt.
Lũ trên Sông Cầu liên tục dâng cao trong những ngày sau đó. Khu dân cư các phường Đồng Bẩm, Quang Vinh, Tân Long, Túc Duyên, Quang Trung… (TP Thái Nguyên) chìm trong biển nước, nhiều xóm và tổ dân phố bị chia cắt, cô lập.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 8 công điện và 1 thông báo về tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đi kiểm tra thực tế các công trình thủy lợi, đê điều, vị trí trọng điểm xung yếu để chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3.
Trên 8 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và lực lượng xung kích địa phương cùng phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê, đảm bảo khả năng chống lũ; huy động lực lượng tuần tra, canh gác, theo dõi mực nước và diễn biến khu vực đê gia cố. Các lực lượng dân sự, công an, quân đội, địa phương cùng lực lượng hỗ trợ của Quân khu 1, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia ứng phó thiên tai.
Trong mưa lũ tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng phát huy mạnh mẽ. Các lực lượng cứu hộ, nhất là công an, quân đội, dân quân tự vệ và cả những người dân tình nguyện tham gia góp sức đã ngày đêm dầm mình trong gió lớn, nước sâu, xông pha nơi nguy hiểm để đưa người dân đến nơi an toàn, vận chuyển thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho những gia đình bị cô lập…
Những đội nhóm và câu lạc bộ vốn gắn bó với nhau nhờ chung niềm đam mê, giờ đây đang sử dụng sở thích của mình để hỗ trợ bà con. Thuyền sub, flycam, và xe bán tải, những công cụ thường ngày phục vụ cho vui chơi và công việc, giờ đây trở thành "trợ thủ đắc lực" trong công tác cứu trợ.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã trực tiếp kiểm tra một số địa điểm có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương ở thượng nguồn sông Cầu để công tác dự báo được sớm và sát với thực tế |
Tinh thần sẻ chia từ khắp nơi đã biến thành hàng trăm chuyến xe chở đầy ắp hàng cứu trợ hướng về Thái Nguyên. Những suất cơm nóng hổi được đóng gói gửi tới tận tay người dân ở những nơi cô lập.
Ngay khi nước rút, chung tay vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai, người dân Thái Nguyên lại cùng nhau bắt tay ngay vào dọn dẹp, làm công tác vệ sinh môi trường trên từng con phố để nhanh chóng ổn định cuộc sống, bảo đảm an toàn giao thông.
Với tinh thần đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng quán triệt: ưu tiên cao nhất cho ổn định đời sống của nhân dân, tất cả các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng Công an, Quân đội và nhân dân tổng lực ra quân khắc phục ngay hậu quả trận lũ lịch sử, Thái Nguyên đã huy động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương cùng các tầng lớp nhân dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống; đặc biệt tập trung khắc phục các sự cố sạt lở ảnh hưởng đến giao thông; khôi phục hệ thống điện, nước, viễn thông, cơ sở y tế, trường học; vận hành, điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn... Với tinh thần hiệp lực, đồng tâm, nhịp sống thường ngày đã trở lại.
Nước sạch để đảm bảo nhu cầu cần thiết và cấp thiết của người dân đã được cố gắng khắc phục một cách nhanh nhất. Hơn 47.000 khách hàng, tương đương 1/3 tổng số khách hàng của Điện lực thành phố Thái Nguyên bị mất điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã được cấp điện trở lại.
Tập trung khắc phục thiệt hại sau bão lũ, các hoạt động sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định. Bão lụt không làm ảnh hưởng đến nhịp độ sản xuất cũng như tiến độ, kế hoạch sản xuất năm của các DN, dự án tại các khu - cụm CN trên địa bàn.
Duy trì ổn định nhịp độ sản xuất, các đơn vị cũng đang tích cực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi trận lũ vừa qua. Hiện nay, số lao động đi làm ổn định tại các Khu CN đạt gần 100%... Tại huyện Phú Bình và TP Phổ Yên, 1 số khu vực ngập lụt trên diện rộng, nước đã rút, tình trạng gián đoạn điện, nước cũng đã được khắc phục. Cuộc sống sinh hoạt và sản xuất đã trở lại bình thường.
6 ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua. 5 ngày sau khoảng thời gian gồng mình chống chọi trận lụt lịch sử, nhịp sống thường nhật đã hồi sinh trở lại. Với tâm thế của một tỉnh trung tâm vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên mang sẵn trong mình tiềm lực và sức sống mạnh mẽ để từ đó nhanh chóng phục hồi, tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quan trọng của năm 2024 và những năm tiếp theo./.