* Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ và những diễn biến khủng hoảng COVID-19 tại Triều Tiên đang là những vấn đề thu hút sự quan tâm củathế giới tuần qua.

- Trong hai ngày 12 - 13/5, tại Washington, D.C, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, hội nghị đã ra tuyên bố chung.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trên cơ sở nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tuân thủ những nguyên tắc quan trọng, giá trị và chuẩn mực chung nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP); và các vấn đề khác, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ đã ra tuyên bố tầm nhìn chung.

Nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ trong năm 2022, chúng tôi cam kết thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11/2022. Chúng tôi trông đợi sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Tuyên bố tập trung vào các nội dung:

Cùng nhau ứng phó đại dịch COVID-19, xây dựng an ninh y tế tốt hơn và phục hồi

Tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế

Thúc đẩy hợp tác biển

Tăng cường giao lưu nhân dân

Hỗ trợ phát triển tiểu vùng

Tận dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Gìn giữ hòa bình và xây dựng lòng tin.

- COVID-19 đã chọc thủng phòng tuyến che chắn của Triều Tiên, khiến cuộc khủng hoảng dịch bệnh xảy ra bất ngờ sau hơn 2 năm yên ắng.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Một bức ảnh hiếm hoi chụp Chủ tịch Kim Jong-un đeo khẩu trang khi chủ trì một cuộc họp ở Bình Nhưỡng nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19. Ảnh: BBC

Triều Tiên đã từng tự bảo vệ tốt trước COVID-19, nhưng lúc này khi phần lớn thế giới đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch, quốc gia này cuối cùng đã phải chống chọi với virus quái ác.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 13/5 đưa tin 6 công dân đầu tiên của nước này tử vong vì COVID-19, khoảng 18.000 trường hợp có triệu chứng sốt và 187.000 người đang được cách ly và điều trị.

Bình Nhưỡng cho biết họ đang khởi động một hệ thống chống virus "khẩn cấp tối đa" để đối phó với "cơn sốt" đang lan rộng khắp Triều Tiên từ cuối tháng 4, ảnh hưởng đến 350.000 người - theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Mặc dù KCNA không xác nhận dịch bệnh, nhưng sốt là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Hãng thông tấn Triều Tiên cũng lưu ý rằng một trong những người đã tử vong có nhiễm biến thể Omicron.

Đợt bùng phát dịch đột ngột này được cho có thể liên quan đến lượng người khổng lồ tập trung về Bình Nhưỡng vào tháng trước. Một cuộc mít tinh đã diễn ra ở trung tâm thủ đô vào ngày 15/4 và cuộc duyệt binh được tổ chức vào 25/4.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm. Trước dịch COVID-19, nước này từng đóng chặt biên giới của mình để ngăn chặn các dịch SARS, MERS, Ebola, và rõ ràng là rất hiệu quả. Họ triển khai cùng chiến lược đó chống lại COVID-19, sử dụng các biện pháp kiểm soát biên giới thuộc loại cứng rắn nhất trên thế giới.

Trong hai năm gần đây, Bình Nhưỡng ít thông tin về COVID-19, nhưng một chuyên gia nói với tờ Asia Times rằng nhiều khả năng các biện pháp nghiêm ngặt đã có hiệu quả. Hệ thống y tế quốc gia của Triều Tiên tự hào có tỷ lệ bác sĩ trên dân số cao. Hệ thống kiểm soát xã hội của họ cho phép ngăn chặn sự di chuyển phức tạp của con người, do đó ngăn chặn sự lây truyền.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Nổi bật là các thông tin về chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

- Sáng 15/5/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến Thủ đô Vientiane, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quốc tế Wattay ở Thủ đô Vientiane.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong quan hệ hai nước.

Đây cũng là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022 và cũng là chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.

Đối với Lào, đây là Đoàn Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ngoài thăm chính thức Lào kể từ sau Đại hội XI và sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX của Lào.

- Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ trong hai ngày 12 và 13/5 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr; đồng thời thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 - 17/5.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ kể từ sau Đại hội XIII của Đảng; cũng là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ ASEAN kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Ngày 13/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Lãnh đạo ASEAN đã dự các phiên làm việc chính thức của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ bao gồm phiên họp giữa các Lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden; phiên thảo luận giữa các Lãnh đạo ASEAN với Phó Tổng thống Harris về an ninh biển và phòng chống COVID-19 và phiên thảo luận với các Bộ trưởng Nội các về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững.

Tại phiên họp với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự tiếp đón trọng thị và nồng ấm của Hoa Kỳ. Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy đối thoai, xây dựng lòng tin và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV; Phiên họp thứ 9 UBND tỉnh cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng; Kiểm tra việc thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị; Đánh giá kết quả phát triển KT-XH 4 tháng đầu năm 2022…

- Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, trong tuần, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc cử tri các địa phương, đơn vị. Ngày 11/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc theo hình thức trực tuyến với cử tri 9 huyện, thành phố và 172 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp xúc cử tri trực tuyến.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV dự kiến diễn ra từ ngày 23/5 đến ngày 17/6/2022 tại Nhà Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào 6 dự án Luật. Kỳ họp cũng sẽ thảo luận vào các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, kết quả hoạt động giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và dành thời gian 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cử tri các địa phương đánh giá cao công tác lập pháp của Quốc hội; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội và vai trò, hiệu quả hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Các cử tri cũng kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương quan tâm xem xét, giải quyết một số vấn đề, như: đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhỏ, lẻ; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật đất đai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên, bố trí nguồn vốn để sớm thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3C từ km31 ngã 3 Quán Vuông và đường Tỉnh lộ 264 từ Quán Vuông, xã Trung Hội đến Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá; chỉ đạo dứt điểm, quyết định điều chỉnh Quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công I; sớm bàn giao Dự án Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc đi vào hoạt động; cần có giải pháp đặc thù không thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên và nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 161 để các cơ sở giáo dục công lập được phép ký hợp đồng lao động theo số định mức giáo viên quy định; quan tâm xem xét nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố; đề nghị tăng mức lương cơ sở; kiến nghị đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp tới của Quốc hội.

- Ngày 12/5, UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ 9 để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tháng 5; cho ý kiến về một số nội dung báo cáo, tờ trình, kế hoạch của UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Điểm sự kiện từ ngày 9/5 đến ngày 15/5/2022
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 4 tháng đầu năm năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định và từng bước tăng trưởng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 7.170 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, gần bằng 40% dự toán năm; chi ngân sách đạt trên 3.480 tỷ đồng, bằng 19% dự toán năm; giá trị xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng cao. Toàn tỉnh cũng thực hiện gieo trồng cây màu vụ xuân vượt 2,2% so với kế hoạch; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Các lĩnh vực xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào 16 nội dung trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời giao cơ quan tham mưu hoàn chỉnh văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đối với các nội dung báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thiện các nội dung và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu trình Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh và quyết liệt trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, các chủ đầu tư dự án và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn vướng mắc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình các dự án, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đối với các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thời gian tới./.