* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua được dư luận quan tâm như: Châu Âu tiếp tục 'gồng mình' đối chọi với dịch bệnh COVID-19; Hoãn đàm phán thương mại Brexit vòng hai do COVID-19; Trung Quốc tuyên bố vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19; Dịch COVID-19: Thứ trưởng Y tế Anh dương tính với SARS-CoV-2; Kinh tế Mexico đối mặt thách thức lớn nhất 10 năm qua do dịch COVID-19; Toàn bộ 27 nước thuộc EU đều đã có bệnh nhân COVID-19; Baghdad xác nhận Mỹ không kích nhiều vị trí của các lực lượng ở Iraq; Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết ngăn Tổng thống tấn công Iran...

- Hàng loạt nước châu Âu đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và đóng cửa những địa điểm công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ngày 12/3, Thụy Sĩ đã thông báo thêm 2 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại bang Ticino, nâng tổng số người thiệt mạng ở nước này lên 6 người. Hiện Thụy Sĩ đã có trên 800 ca nhiễm COVID-19 và giới chức nước này có thể sớm ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 13/3, Slovakia sẽ từ chối nhập cảnh với tất cả những người nước ngoài (trừ công dân Ba Lan) để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại các cửa khẩu ở biên giới với Ba Lan, chỉ có người mang quốc tịch Ba Lan mới được phép nhập cảnh vào Slovakia. Chính phủ Slovakia cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các sân bay quốc tế và trường học để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cùng ngày, thủ đô Vilnius của Litva đã đóng cửa tất cả các trường học địa điểm giải trí công cộng trong hơn 1 tháng do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng. Người dân được khuyên nên đi bộ và tập thể dục ngoài không gian tự nhiên thoáng đãng để nâng cao sức khỏe. Hiện Litva đã ghi nhận 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, không có trường hợp nào ở thủ đô nhưng giới chức Vilnius vẫn thực hiện các biện pháp trên để đề phòng do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động nhưng được khử trùng kỹ lưỡng, trong khi người dân được khuyến cáo ưu tiên các hình thức mua bán trực tuyến để giảm tiếp xúc xã hội.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Armenia tuyên bố sẽ dần thay thế toàn bộ tiền mặt đang được lưu hành bằng những đồng tiền mới để ngăn chặn nguy cơ lây lan COVID-19. Giới chức Armenia cũng khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng tiền mặt để thanh toán và thay bằng các phương thức thanh toán trực tuyến. Hiện quốc gia này ghi nhận 4 ca dương tính với virus.

Cùng ngày, Hà Lan tuyên bố cấm mọi hoạt động hội họp từ 100 người trở lên đè phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chính phủ nước này khuyên người dân làm việc tại nhà và các công ty thực hiện chế độ luân phiên nhân viên đi làm để tránh lây nhiễm. Các trường học vẫn mở cửa ít nhất là tới ngày 31/3./.

- Với việc các ca nhiễm và tử vong giảm mạnh, Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm leo thang của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Reuters đưa tin ngày 12/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc Mễ Phong trả lời họp báo cho biết Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm leo thang của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng nước này sẽ có biện pháp mạnh để làm bình ổn hoạt động ngoại thương, song cảnh báo nguy cơ đối mặt với tình trạng tăng trưởng không ổn định do sức ép gia tăng lên nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 12/3, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó trong ngày 11/3 đã ghi nhận thêm 11 ca tử vong gồm 10 ca tại tâm dịch - tỉnh Hồ Bắc và 1 ca tại tỉnh Thiểm Tây.

Trong khi đó, thêm 15 ca mới mắc bệnh, giảm so với con số 24 ca một ngày trước.

Như vậy, tính đến hết ngày 11/3, Trung Quốc đại lục đã xác nhận tổng cộng 3.169 ca tử vong và 80.793 trường hợp mắc COVID-19.

Cũng theo NHC, nước này đã ghi nhận 1.318 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện trong ngày 11/3, nâng tổng số ca xuất viện tại đây lên thành 62.793 người./.

- Theo phóng viên TTXVN tại London, tối 12/3, Anh và Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo chung về việc hoãn tổ chức vòng hai cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit (dự kiến diễn ra tại thủ đô London vào tuần tới) do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố chung nêu rõ trước những diễn biến mới nhất liên quan đến COVID-19, các nhà đàm phán thương mại Anh và EU sẽ không tổ chức vòng đàm phán vào tuần tới tại London như dự kiến ban đầu mà sẽ tìm cách khác để tiếp tục công việc, có thể là tổ chức hội nghị trực tuyến.

Hơn 100 chuyên gia thương mại của phía EU dự kiến sẽ đến London vào tuần tới để tiếp tục công việc đàm phán vòng 2. Sau khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, trưởng phái đoàn EU Michel Barnier từng tiết lộ "sự khác biệt về quan điểm nghiêm trọng" giữa Anh và EU.

Hai bên có kế hoạch sẽ kết thúc 5 vòng đàm phán vào giữa tháng 5/2020 và sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh Anh-EU vào tháng 6/2020.

Phái đoàn Anh hy vọng một phần của các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến. Điều còn vướng mắc là Ủy ban châu Âu hiện đã yêu cầu các nhân viên làm việc tại nhà nên việc tổ chức họp trực tuyến sẽ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, phía London hy vọng hai bên sẽ tìm ra cách thức nào đó để có thể tổ chức đàm phán.

Về phía mình, giới chức EU khẳng định các hình thức đàm phán như hội nghị trực tuyến là những lựa chọn cuối cùng, bởi chúng không thể hoàn toàn thay thế các cuộc họp mặt trực tiếp khi cả hai bên cần phải ngồi lại cùng nhau để thống nhất nội dung pháp lý./.

* Những thông tin trong nước được đăng tải trên trang Thainguyentv.vn cũng tạo được sự quan tâm lớn. Trong đó, các nội dung nổi bật như: Liên hợp quốc đánh giá cao việc phòng chống COVID-19 của Việt Nam; Thủ tướng chỉ thị quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Thủ tướng: Việt Nam sẽ chặn đứng dịch bệnh; “Cuộc chiến” chống COVID-19: Bắt đầu chiến dịch mới; Khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin trợ giúp y tế; Hoãn chặng đua F1 tại Hà Nội do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

- Cho rằng cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch bệnh trong thời gian tới. Trận chiến chống dịch bệnh có thể kéo dài nhưng dân tộc Việt Nam bền chí, càng đánh càng giỏi, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà là thắng lợi kép.

Thủ tướng vừa kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, bế mạc vào gần 13h chiều ngày 9/3.

Sau khi nghe ý kiến từ Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới và “chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta một cách bình tĩnh”. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản.

Chính phủ luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan để hành động. Sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân.

“Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu kịp thời, đặc biệt tăng cường năng lực y tế cả Trung ương và địa phương.

“Các đồng chí nói là chúng ta có khoa học công nghệ, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, có bệnh viện lớn, chuyên sâu đã từng chữa cho 16 người khỏi bệnh, ra viện, chứ không phải dương tính là chết”, Thủ tướng một lần nữa biểu dương sự nỗ lực của TP. Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều địa phương, bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, bệnh viện, các lực lượng tham gia quản lý cách ly… đã quyết liệt, kịp thời, xử lý ngay khi có thông tin của bệnh nhân số 17.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hiểu rõ, hiểu đúng, hành động đúng, bình tĩnh nhưng không được lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, không để đội ngũ phòng chống bệnh, đội ngũ quản lý cách ly hay người dân tại khu vực cách ly bị khó khăn, bị thiếu thốn hay có tâm lý hoang mang, mệt mỏi.

Tất cả địa phương trong cả nước phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kịp thời kiểm điểm, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là nguồn lây từ nước ngoài.

diem su kien tu ngay 932020 den ngay 1532020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt lưới những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao. Du lịch phải bảo đảm an toàn.

Cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay. Phản ứng nhanh và hiệu quả là phương châm hành động.

Trước hết, cần phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.

Việc công bố thông tin liên quan dịch COVID-19 phải bảo đảm minh bạch, kịp thời, truy tìm nguồn lây một cách nhanh nhất, những người tiếp xúc phải cách ly đầy đủ.

Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các phương tiện khác bảo đảm đầy đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. “Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị làm tốt hơn nữa thông tin đến người dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như một số trường hợp vừa qua”, Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tập đoàn tư nhân đã đóng góp vào bình ổn thị trường. Các địa phương cũng phải chuẩn bị cơ số cần thiết, không để thiếu hàng, sốt giá. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá hàng hóa quá đáng. Phải xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương, các bệnh viện, các trung tâm y tế, các tổ chức, doanh nghiệp, từng hộ gia đình lập hoặc cập nhật phương án, kịch bản đã có để luôn sẵn sàng hành động. Các ngành phải phối hợp tốt, chặt chẽ với nhau.

Ban Chỉ đạo phải thường xuyên báo cáo Thủ tướng những quyết định quan trọng, những vấn đề lớn để xem xét, cân nhắc mọi phương diện. Các cơ quan thông tin truyền thông phải đưa tin làm sao ổn định xã hội.

Lực lượng khoa học công nghệ, kể cả Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vaccine.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính sẵn sàng ưu tiên ngân sách xứng đáng cho công tác này.

Thủ tướng cũng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…

Thủ tướng đồng ý việc tạm dừng đơn phương miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

- Điều phối viên Liên hợp quốc Kamal Malhotra cho biết đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu phòng chống COVID-19 của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam - Kamal Malhotra.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và cá nhân Điều phối viên Kamal Malhotra trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình phát triển thời gian qua.

Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác hiệu quả của Liên hợp quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng toàn cầu; khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên quyết, kịp thời, đồng bộ, do đó ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan.

Về vấn đề cách ly, Việt Nam đã thực hiện sớm, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng tham gia tích cực, đồng bộ. Việt Nam đến nay đã chữa khỏi 16 trường hợp nhiễm COVID-19.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có mục tiêu kép không chỉ nỗ lực chống dịch thành công mà còn bảo đảm phát triển, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, trong hai tháng đầu năm, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều điểm nóng bùng phát, nhất là ở khu vực Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sơ bộ đánh giá đã nỗ lực đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020.

Riêng trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức thành công buổi thảo luận về Hiến chương Liên hợp quốc, qua đó đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của Hiến chương, của Liên hợp quốc và của luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa trên lập trường nguyên tắc, luôn xây dựng và trách nhiệm vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định ở các khu vực.

Điều phối viên Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của virus COVID-19; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch. Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Liên hợp quốc đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các tổ chức Liên hợp quốc ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hòa về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ việc đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội… Liên hợp quốc luôn sát cánh cùng Chính phủ ứng phó hiệu quả với đại dịch này trong giai đoạn 2 với những diễn biến phức tạp, khó lường.

Ông cũng đánh giá, Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 vừa qua; đã tổ chức hai cuộc thảo luận Hiến chương Liên hợp quốc và hợp tác với ASEAN, được bạn bè đánh giá cao. Cá nhân ông và các cơ quan Liên hợp quốc đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng Việt Nam để giúp Việt Nam tổ chức sự kiện quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào tháng 8 tới.

* Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có một số tin tức đáng chú ý như: Hội nghị tham gia ý kiến vào Dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV; Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên làm việc tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ; Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm Đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025; Thái Nguyên: bổ nhiệm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thái Nguyên: Xác định đối tượng để áp dụng các biện pháp cách ly hiệu quả; Thái Nguyên: Tiếp tục cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS nghỉ học từ ngày 16/3 đến hết ngày 29/3/2020; Cháy lớn tại Công ty CP Giấy Trường Xuân chi nhánh Phổ Yên...

- Ngày 11/3, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên do đồng chí Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai và Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Hỷ để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và công tác phòng chống dịch Covid - 19.

Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các cấp chính quyền huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thời gian qua.

Về định hướng thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện Võ Nhai thực hiện song song và hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid - 19 và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thực hiện tốt công tác dân chủ, công khai, minh bạch trong Đảng; Vấn đề nêu gương của người đứng đầu cần phải được nghiêm túc thực hiện. Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, đồng chí đề nghị huyện làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, lựa chọn các cán bộ có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, cơ cấu, độ tuổi theo đúng quy định. Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, đồng chí đề nghị Huyện tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tại điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần tiếp tục được đảm bảo. Đối với công tác phòng chống dịch Covid - 19, đồng chí đề nghị huyện tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, rà soát, nắm chắc các đối tượng đi qua vùng dịch... để đảm bảo dịch không bùng phát trên địa bàn.

Đối với huyện Đồng Hỷ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện tốt công tác đối thoại với cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, đồng chí đề nghị huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai và theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

diem su kien tu ngay 932020 den ngay 1532020
Đồng chí Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình phát triển kinh tế tại huyện Võ Nhai.

- Ngày 9/3, đồng chí Bùi Xuân Hoà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm Đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các Đảng bộ trực thuộc.Trước đó, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn cán bộ của tỉnh đã đến thăm, động viên một số mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao trên địa bàn 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ./.

Để rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy đã chọn 2 đơn vị là Đảng bộ xã La Bằng (huyện Đại Từ) và phường Mỏ Chè (thành phố Sông Công) để chỉ đạo Đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngoài 2 Đảng bộ được tỉnh chọn chỉ đạo Đại hội điểm cấp cơ sở nêu trên, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chọn 15 tổ chức cơ sở đảng để chỉ đạo Đại hội điểm ở cấp mình. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: các cấp ủy cơ sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, chu đáo, bảo đảm theo yêu cầu. Đại hội diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định Điều lệ Đảng và quy chế bầu cử trong Đảng. Văn kiện trình Đại hội nhìn chung được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và đúng quy định; Báo cáo chính trị được lấy ý kiến góp ý của các ngành, đoàn thể trên địa bàn, được tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở xin ý kiến góp ý của các ngành, đoàn thể cấp huyện của Ban Thường vụ cấp huyện và Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đánh giá toàn diện những kết quả chủ yếu của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ mới. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy đánh giá đúng kết quả lãnh đạo trong nhiệm kỳ; công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, đúng quy trình; công tác bầu cử tại Đại hội và tại phiên họp thứ nhất của cấp ủy khóa mới được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục; Đại hội bầu 1 lần đủ số lượng theo quy định, chất lượng nhân sự tham gia Ban Chấp hành khoá mới đảm bảo tiêu chuẩn, trình độ, cơ cấu. Nghị quyết Đại hội cơ bản đạt yêu cầu về nội dung, kết cấu phù hợp, được Đại hội nhất trí cao thông qua. Công tác tuyên truyền trước và trong Đại hội được thực hiện tốt, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Tuy nhiên, công tác điều hành Đại hội của Đoàn chủ tịch đôi khi còn lúng túng; việc sắp xếp chương trình Đại hội chưa thật sự hợp lý, khoa học; báo cáo tóm tắt trình Đại hội của các Đảng bộ cần thêm biểu mẫu đánh giá; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành chưa chỉ rõ những nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của từng cấp ủy viên; một số ý kiến tham luận tại Đại hội còn có nội dung liệt kê, chưa đi sâu đề xuất giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương; việc trang trí khánh tiết có điểm chưa thống nhất.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: việc tổ chức rút kinh nghiệm qua tổ chức thành công Đại hội điểm cấp cơ sở của tỉnh góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội các Đảng bộ cấp cơ sở còn lại, tạo thuận lợi để tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp huyện và tương đương, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục nghiên cứu kỹ Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên về Đại hội Đảng bộ các cấp để chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cấp ủy và các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giúp các tổ chức cơ sở đảng trong công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội; tổ chức nghiên cứu sâu sắc một số vấn đề được rút ra và khắc phục các hạn chế qua việc tổ chức Đại hội điểm cơ sở./.