Điểm sự kiện từ ngày 2/9 đến ngày 8/9/2024
* Tin tức, sự kiện thế giới tuần qua: Bầu cử Mỹ 2024: Sự khác biệt chính sách giữa ông Trump và bà Harris về Ukraine; Cuộc chiến Nga- Ukraine: Nga vẫn tiến bước ở Donbass, chiến dịch Kursk của Ukraine đình trệ; Đồng USD suy yếu, nỗi lo của giới hoạch định chính sách toàn cầu lắng xuống; Ấn Độ báo cáo trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ; Ngày tôn vinh Tiếng Việt 8/9 diễn ra nhiều nơi trên thế giới;…
- Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Dù kết quả bầu cử thế nào, chính quyền mới có thể sẽ tìm cách chấm dứt cuộc chiến, nhưng cách tiếp cận của các ứng cử viên hiện tại là Kamala Harris và Donald Trump lại khác biệt đáng kể.
Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều mong muốn châu Âu gánh vác nhiều hơn trách nhiệm trong việc hỗ trợ Ukraine, đánh dấu một thay đổi lớn trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nhận định mới đây của các nhà phân tích Mateusz Piotrowski và Daniel Szeligowski tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ có tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là đối với cuộc chiến ở Ukraine. Dù kết quả thế nào, mục tiêu chung của chính quyền mới có thể sẽ là chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của các ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump sẽ khác nhau, đặc biệt trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và sự nhượng bộ tiềm năng từ Ukraine đối với Nga. Một điểm chung là cả hai chính quyền mới tiềm năng đều mong muốn gia tăng trách nhiệm của các nước châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine.
Quan điểm của bà Harris về cuộc xung đột ở Ukraine:
Kamala Harris, với vai trò Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden, đã tham gia tích cực vào việc hỗ trợ Ukraine từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Bà Harris đã điều phối viện trợ quân sự của Mỹ với các đối tác NATO, thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và đại diện cho Mỹ tại các hội nghị quốc tế. Phó Tổng thống Harris luôn nhấn mạnh sự ủng hộ cho nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu đắc cử tổng thống.
Tuy nhiên, chính sách của bà Harris đối với Ukraine sẽ bị chi phối bởi mối quan hệ phức tạp với Nga, với trọng tâm là tránh leo thang xung đột sang các nước NATO. Bà có thể duy trì và mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm gia tăng chi phí xung đột cho Nga, nhưng việc tăng cường hỗ trợ quân sự có thể bị giới hạn do sự ủng hộ yếu từ công chúng Mỹ. Số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy chỉ 19% người Mỹ ủng hộ tăng viện trợ cho Ukraine, trong khi 29% cho rằng mức hỗ trợ đã quá lớn.
Bên cạnh đó, bà Harris có thể sẽ tìm cách thúc đẩy một giải pháp thỏa hiệp, thông qua đàm phán giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh châu Âu đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, môi trường chính trị trong nước và áp lực từ các nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ có thể khiến bà khó có thể duy trì mức hỗ trợ quân sự như hiện tại.
Cách tiếp cận của chính quyền Trump-Vance tiềm năng:
Cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ. Mặc dù đây có thể là một lời nói trong chiến dịch tranh cử, nhưng nó cho thấy ông Trump sẵn sàng đàm phán và có thể ép Ukraine nhượng bộ để nhanh chóng kết thúc xung đột. Ông Trump từng thể hiện sự hoài nghi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và có thể sẽ áp dụng áp lực chính trị và kinh tế lên cả Nga và Ukraine để thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng tìm cách gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để phục vụ lợi ích chính trị của mình, dẫn đến thủ tục luận tội ở Quốc hội Mỹ. Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ tiếp tục một chính sách không đồng nhất với các đồng minh NATO, gây ra nguy cơ làm suy yếu quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tăng thêm những nghi ngờ về cam kết an ninh của Mỹ tại châu Âu.
Phản ứng của Ukraine đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ:
Chính quyền Ukraine đang nỗ lực duy trì sự hỗ trợ của Mỹ bất kể kết quả bầu cử như thế nào. Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine đã tích cực tiếp xúc với cả hai phe chính trị Mỹ để đảm bảo sự hỗ trợ tài chính và quân sự lâu dài. Ukraine cũng đang xây dựng một chiến lược quốc tế nhằm thúc đẩy tầm nhìn hòa bình của mình, với hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ, đặc biệt nếu ông Trump thắng, sẽ không ép buộc nước này vào các nhượng bộ quá mức.
Tóm lại, các chuyên gia thuộc PISM trên cho rằng bất kể kết quả bầu cử, chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ có nhiều thay đổi, với mục tiêu chính là chấm dứt xung đột nhanh chóng và giảm bớt gánh nặng viện trợ quân sự của Mỹ. Chính quyền mới có thể gây áp lực lên các đối tác châu Âu để tăng cường vai trò của họ trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Trong khi bà Harris có thể tiếp tục duy trì sự cân bằng giữa hỗ trợ quân sự và ngoại giao, ông Trump có thể sẽ tìm cách nhanh chóng đạt được một thỏa thuận, bất chấp những nhượng bộ có thể gây bất lợi cho Ukraine.
- Ngày 8/9, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã báo cáo một trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, là người từng đi đến nước có dịch bệnh.
Kiểm tra y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay quốc tế ở Chennai, Ấn Độ, ngày 3/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo của bộ trên cho biết trường hợp này là nam giới, gần đây đã trở về từ một quốc gia mà căn bệnh này đang bùng phát, song không nói rõ là nước nào. Hiện người này đã được đưa vào khu vực cách ly của bệnh viện và đang trong tình trạng ổn định. Các xét nghiệm đang được tiến hành để đưa ra xác nhận cuối cùng cũng như có thêm thông tin về chủng virus đậu mùa khỉ mà người này có thể nhiễm.
Ngoài ra, công tác truy vết tiếp xúc cũng đang được tiến hành nhằm xác định nguồn lây nhiễm đồng thời đánh giá tác động đối với cộng đồng để kịp thời đưa ra phương án ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.
Tháng trước, nhật báo The Hindu đưa tin Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh căn bệnh này bùng phát và lây lan mạnh ở châu Phi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, do mức độ phổ biến và lây lan của biến thể mới được gọi là Clade 1b xuất phát từ chủng đặc hữu Clade 1 gây ra căn bệnh này.
Từ năm 2022 đến tháng 3/2024, Ấn Độ ghi nhận 30 trường hợp nhiễm chủng Clade 2 của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, vốn được đánh giá ít nghiêm trọng hơn so với biến thể mới Clade 1b nói trên.
* Sự kiện trong nước trong tuần qua từ ngày 2 - 8/9 đã diễn ra một số sự kiện nổi bật: Bộ Chính trị cho ý kiến dự thảo báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão, Khai giảng năm học mới 2024-2025; Xử lý vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng; Du lịch phục hồi dịp 2/9.
- Ngày 6/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, việc thực hiện Chiến lược diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, nước ta bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19, xung đột quân sự tại các khu vực...
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, Báo cáo cần phát triển làm rõ hơn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; củng cố, tăng cường cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; hội nhập quốc tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bộ Chính trị đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 - 2030 để trình Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
- Ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh - Hải Phòng và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ với sức gió cấp 12 - 13 gây nhiều thiệt hại. Cập nhật đến sáng 8/9, bão số 3 làm 9 người thiệt mạng, 187 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi…
Các lực lượng khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả cây đổ trên phố Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Sáng 8/9, chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các ngành, địa phương tập trung rà soát số người thiệt mạng, bị thương, mất tích để cứu giúp, hỗ trợ lo hậu sự; rà soát các gia đình bị thiệt hại về vật chất để hỗ trợ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh nào thiếu thuốc, thiếu nơi chữa bệnh; tập trung khắc phục sự cố về điện, nước, viễn thông và các dịch vụ thiết yếu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất, tiêu dùng; tổ chức thống kê thiệt hại khách quan, chính xác để có phương án xử lý kịp thời; tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, sụt lún do hoàn lưu bão gây ra.
Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn".
Tại các thành phố, đô thị như Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội… chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả sau cơn bão như dọn dẹp cây bị đổ, vệ sinh môi trường để sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
Lãnh đạo các tỉnh cũng trực tiếp xuống các địa phương nắm tình hình, chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa, rau màu thiệt hại nặng khẩn trương tiêu rút nước đệm trong đồng; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3, việc xử lý sự cố điện đang được thực hiện rốt ráo, nhiều nơi đã khôi phục toàn bộ các đường dây và sẽ cung cấp điện trong ngày 8/9.
- Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới 2024 - 2025. Từ hải đảo đến các vùng cao, miền núi đều đồng loạt tổ chức lễ khai giảng trong không khí vui tươi, hứng khởi.
Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trong sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 với thầy và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm học mới 2024 - 2025, phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng". Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa - phải để năm học mới đạt kết quả tốt hơn năm học vừa qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương phải là nền tảng, góp phần quan trọng tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật, vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.
* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Kỳ họp thứ Hai mươi, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV: Biểu quyết thông qua 13 Nghị quyết quan trọng; Thái Nguyên: gần 334 nghìn học sinh tham dự khai giảng năm học mới; 4 ngày nghỉ lễ, tai nạn giao thông tại Thái Nguyên giảm cả 3 tiêu chí;…
- Ngày 6/9, Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 13 Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 |
Một số nội dung quan trọng như: Quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Nguyên; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thái Nguyên…
Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện quy trình miễn nhiệm đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải do đã chuyển công tác; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Trịnh Việt Hùng, được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thực hiện quy trình giới thiệu bầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Nguyễn Huy Dũng. Với số phiếu tín nhiệm cao, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã được HĐND tỉnh bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Trong tuần qua, cùng với cả nước, gần 334.000 học sinh của tỉnh Thái Nguyên đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025.
Toàn cảnh Lễ Khai giảng tại Trường THCS Chu Văn An, TP Thái Nguyên |
Bước sang năm học mới, toàn tỉnh Thái Nguyên có 677 trường học từ cấp mầm non đến THPT với tổng số 333.238 học sinh (so với cùng kỳ năm học trước giảm 1.674 học sinh); đội ngũ cán bộ, giáo viên gần 26.000 người, cơ bản đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Trong năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học. Trong đó toàn ngành sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo; bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ năm học mới, đặc biệt là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các khối lớp. Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Toàn ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã sẵn sàng cho một năm học mới với quyết tâm mới, khí thế mới và hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi mới.
- Đầu tuần vừa qua trùng với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Các hoạt động vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn diễn ra an toàn, vui tươi.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh được bảo đảm ổn định, không xảy ùn tắc và tai nạn giao thông nghiêm trọng, toàn tỉnh xảy ra 05 vụ TNGT; làm chết 01 người, bị thương 03 người. Lực lượng chức năng cũng xử lý gần 500 trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn, hơn 530 trường hợp vi phạm lỗi tốc độ. Các bến xe khách trên địa bàn cũng phục vụ cho trên 23.800 lượt khách tại các điểm đầu bến xe./.