* Những sự kiện dư luận thế giới quan tâm trong tuần: Nhật Bản tăng cường an ninh cho lễ quốc tang cựu Thủ tướng Shinzo Abe; Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản; vấn đề để ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu…

- Trước lễ quốc tang cựu Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/9, Nhật Bản đã tăng cường công tác an ninh tại thủ đô Tokyo và khu vực xung quanh địa điểm tổ chức.

Nhat Ban tang cuong an ninh cho le quoc tang cuu Thu tuong Shinzo Abe hinh anh 1
Người dân đến viếng tại lễ tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 12/7. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/9, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản Yasuhiro Tsuyuki đã có chuyến thị sát tại địa điểm tổ chức quốc tang là Nippon Budokan.

Phát biểu với báo giới, ông Tsuyuki cho biết một kế hoạch an ninh toàn diện đã được triển khai để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện quan trọng này.

Với sự tham gia của khoảng 6.000 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, quan chức nước ngoài, không chỉ an ninh nội địa mà tất cả các phương án, bao gồm chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng phải được tính đến. Đây cũng là lần đầu tiên Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản thực hiện công tác đảm bảo an ninh theo “Hướng dẫn an ninh mới” được điều chỉnh sau vụ cựu Thủ tướng Abe bị ám sát hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Ngoài lực lượng cảnh sát thủ đô Tokyo đóng vai trò nòng cốt, một lực lượng lớn cảnh sát các địa phương được điều động đến thủ đô Tokyo để đảm bảo an ninh cho sự kiện lần này.

Dự kiến sẽ có khoảng 400 nhân viên đảm bảo an toàn cho lãnh đạo, quan chức nước ngoài và 1.800 nhân viên đảm bảo an toàn trong và ngoài khu vực tổ chức.

Trước đó, cuộc họp giữa các quan chức Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản và Sở Cảnh sát Tokyo đã nhấn mạnh các nội dung quan trọng trong đảm bảo an ninh của sự kiện lần này gồm có: rà soát triệt để các địa điểm có thể gây mất an ninh xung quanh địa điểm tổ chức như nhà ga, sân bay, khách sạn, trục đường quan trọng; cảnh giác trước các nguy cơ tấn công khủng bố tại các khu vực tập trung đông người trong cả nước bao gồm sân bay, trung tâm mua sắm, công viên giải trí; chủ động phòng ngừa khả năng bị tấn công mạng…

Theo một sỹ quan cảnh sát cấp cao Sở Cảnh sát Tokyo, so với các sự kiện quy mô lớn trước đây, vấn đề an ninh cho lễ quốc tang được chú trọng hơn nhiều lần do nguy cơ rủi ro an ninh lớn.

Đặc biệt, vấn đề phòng ngừa từ sớm là hết sức quan trọng để giảm thiểu tối đa hành động theo kiểu “con sói đơn độc”, không thuộc một tổ chức nào như vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe.

Các thông tin liên quan đến mua nguyên liệu chế tạo vũ khí như thuốc nổ, súng… đều được rà soát chặt chẽ để phát hiệu các dấu hiệu bất thường.

Phát biểu tại họp báo ngày 21/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết quốc tang diễn ra không lâu sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe. Do đó, mọi tình huống có thể đe dọa an ninh của sự kiện đều phải được tính đến và có các phương án xử trí cụ thể.

Lễ quốc tang cựu Thủ tướng Abe dự kiến sẽ diễn ra ngày 27/9 tại Nippon Budokan. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 190 phái đoàn nước ngoài tham dự, trong đó có 50 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các nước như Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cựu Thủ tướng Anh Theresa May, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

- Cuộc chiến ở Ukraine được cho là đang tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, với giá năng lượng, thực phẩm, phân bón biến động và tăng cao...

Hanh dong khan cap de ung pho cuoc khung hoang luong thuc toan cau hinh anh 1
Một người bán rau, củ, quả tại chợ ở Tegucigalpa, Honduras. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 21/9, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã ra tuyên bố chung thứ hai kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

Cuộc chiến ở Ukraine được cho là đang tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, với giá năng lượng, thực phẩm, phân bón biến động và tăng cao, các chính sách thương mại hạn chế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Mặc dù giá lương thực toàn cầu có giảm và việc xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen được nối lại, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các cú sốc thời tiết.

Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Thị trường phân bón vẫn biến động, đặc biệt là ở châu Âu, nơi nguồn cung khí đốt tự nhiên thắt chặt và giá cao đã khiến nhiều nhà sản xuất urê và amoniac phải ngừng hoạt động. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ bón phân cho vụ mùa tiếp theo, kéo dài và làm sâu sắc thêm ảnh hưởng của khủng hoảng.

Những người đứng đầu các tổ chức đa phương cho rằng đã có những tiến bộ đáng kể kể từ tuyên bố chung đầu tiên hồi tháng 4. Các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện trên tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2022. Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau.

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế hoan nghênh nỗ lực của Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu và Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thông qua Trung tâm điều phối chung, hơn 3 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đã được xuất khẩu từ Ukraine. Xu hướng giảm các biện pháp hạn chế thương mại do các nước thực hiện với hy vọng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục.

Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau. Ngân hàng Thế giới đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

IMF đang đề xuất biện pháp giảm cú sốc lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp. FAO đã đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách và đưa ra bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Tuy nhiên, để duy trì động lực và xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai đòi hỏi nỗ lực phối hợp toàn diện liên tục nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại hiệu quả; Cải thiện tính minh bạch; Đẩy nhanh đổi mới và lập kế hoạch chung; Đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực.

Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường có thể làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Nổi bật là các thông tin về Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022;

- Theo đặc phái viên TTXVN, khoảng 16h chiều 25/9 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bắt đầu chương trình dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ ngày 25-28/9.

Chu tich nuoc toi Tokyo, bat dau chuong trinh du Quoc tang ong Abe hinh anh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến bay được thực hiện theo hình thức bay thương mại với đông đảo hành khách trên hành trình từ Hà Nội đi Tokyo.

Nhật Bản sẽ tổ chức Quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo vào ngày 27/9.

Đây là lần thứ hai kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Chính phủ Nhật Bản quyết định tổ chức Quốc tang cho một cựu Thủ tướng (lần đầu tiên là cố Thủ tướng Yoshida Shigeru vào năm 1967).

Dự kiến sẽ có khoảng 6.000 quan khách nước ngoài tham dự sự kiện này, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và đại diện lãnh đạo các nước.

Theo chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo; tham dự cuộc tiếp Trưởng đoàn các nước của Nhật Hoàng; hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Nghị viện, tiếp lãnh đạo một số địa phương Nhật Bản và gặp gỡ song phương với một số Trưởng đoàn các nước dự Lễ Quốc tang.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thể hiện sự ghi nhận, trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà cố Thủ tướng Abe Shinzo đã dành cho Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Đây cũng là sự thể hiện rõ nét đất nước, con người Việt Nam luôn trân trọng, thủy chung và tình nghĩa với bạn bè quốc tế.

- Sáng 20/9, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã tổ chức buổi nói chuyện nhân dịp kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.

Viet Nam-Lao: Moi quan he dac biet khong ngung phat trien hinh anh 2
Quang cảnh buổi nói chuyện. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tham dự sự kiện này có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; bà Alyvongno Buntham - Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào.

Mở đầu buổi nói chuyện, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã chia sẻ và ôn lại quá trình phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, sự kiện hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào.

Ông nhấn mạnh quan hệ gắn bó Việt Nam-Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã luôn sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung.

Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của hai dân tộc Lào và Việt Nam.

Nhân dân hai nước Việt Nam-Lào anh em đã luôn đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập dân tộc của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, với chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang mới. Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền, từng bước xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các hiệp ước, trong đó có Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.

Sau gần 40 năm thực hiện hiệp ước, tháng 11/2016, hai Đảng đã ra Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai bên khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kayson Phomvihane, Chủ tịch Xuphanuvong kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc.”...

* Trong tuần, Thainguyentv đưa nhiều tin tức, sự kiện đáng chú ý trên các lĩnh vực, đặc biệt là sự kiện Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX - năm 2022:

- Ngày 22/9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì các hội nghị: Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; 2021-2026 và Quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030; 2026-2031.

Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh
Các hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn danh sách bổ sung quy hoạch quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2025-2030; 2026-2031

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác rà soát, quy hoạch cán bộ các cấp. Đồng chí cho rằng, quy hoạch, rà soát quy hoạch tốt sẽ góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, bồi dưỡng, nuôi nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trước mắt và lâu dài.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Thực hiện quy định số 50 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch về việc rà soát, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; 2021-2026 và quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030; 2026-2031. Trên tinh thần bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, quy hoạch cán bộ của nhiệm kỳ, quy hoạch của các ngành, địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã rà soát, thông qua danh sách nguồn nhân sự cơ bản đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm cơ sở thực hiện các bước theo quy định.

Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, đồng chí đề nghị các đại biểu cần bám sát điều kiện, tiêu chuẩn của từng chức danh; tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cho ý kiến khách quan, dân chủ; góp phần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, tạo sự chủ động trong công tác cán bộ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển trong giai đoạn tới.

Với tinh thần đoàn kết, tập trung, dân chủ, tại các hội nghị, theo quy trình 5 bước của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cán bộ chủ chốt, các đại biểu đã thống nhất cao và tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn danh sách bổ sung quy hoạch quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2025-2030; 2026-2031.

- Ngày 23/9, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên và đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị hợp tác phát triển giữa tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ Thái Nguyên và Thành ủy Hải Phòng.

Hợp tác phát triển giữa tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hải Phòng
Hội nghị hợp tác phát triển giữa tỉnh Thái Nguyên và thành phố Hải Phòng ngày 23/9

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng thông tin tới đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư tại Hải Phòng và kế hoạch thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai địa phương trong thời gian tới.

Hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển công nghiệp, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hợp tác về du lịch, phát triển văn hóa, xã hội, các chương trình an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn và hợp tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Bày tỏ vui mừng và chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng trong những năm qua với những kết quả ấn tượng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên mong muốn thành phố Cảng chia sẻ những bài học kinh nghiệp trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng chúc mừng sự bứt phá mạnh mẽ của Thái Nguyên trong những năm qua. Đồng chí cũng nhấn mạnh hội nghị hôm nay là sự cụ thể hóa cam kết hợp tác giữa hai địa phương vốn có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Đồng chí cũng khẳng định thông qua các chương trình hợp tác sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp Hải Phòng và Thái Nguyên tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.

- Ngày 21/9, Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX năm 2022 đã được tổ chức trọng thể tại sân vận động Thái Nguyên.

[Photo] Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX - năm 2022
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải thắp lên đài lửa Đại hội ngọn lửa truyền thống tượng trưng cho sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển phong trào thể thao của cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tới dự Lễ khai mạc còn có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đặng Hoàng Cương; lãnh đạo Quân khu I; lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các VĐV cùng đông đảo nhân dân.

Sau 2 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đại hội TDTT lần thứ IX năm 2022 là sự kiện thể thao được mong đợi nhất đối với người dân Thái Nguyên.

Màn diễu binh, diễu hành, biểu dương lực lượng mở đầu lễ khai mạc được xây dựng công phu đã mang lại cho buổi lễ không khí trang nghiêm, hào hùng.

Ngọn lửa truyền thống của Đại hội, ngọn lửa của ý chí, nguyện vọng và tinh thần được thắp sáng trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, nhằm cổ vũ các vận động viên nỗ lực thi đấu đạt thành tích cao.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội nhấn mạnh: đây là sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh, là ngày hội biểu dương sức mạnh tinh thần của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên....

[Photo] Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX - năm 2022
Lễ khai mạc có sự tham gia của gần 20.000 người là các vận động viên, nghệ sĩ, diễn viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Từ năm 2021 đến nay, thể thao Thái Nguyên đã giành được những thành tích đáng tự hào, trong đó có cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. 9/9 huyện, thành phố và 178 xã, phường, thị trấn đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đăng cai tổ chức thành công các giải thể thao cấp quốc gia và các hoạt động thể thao cấp tỉnh, tạo tiền đề để phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng.

Điểm nhấn của Lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao lần thứ IX là màn đồng diễn nghệ thuật với gần 1700 diễn viên, kịch bản dàn dựng công phu cùng sự đầu tư tập luyện kỹ lưỡng đã tạo nên màn đồng diễn nghệ thuật độc đáo.

Đến thời điểm khai mạc, Đại hội TDTT tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX năm 2022 đã có 13/17 môn thi đấu được tổ chức xong. 140 bộ huy chương được Ban Tổ chức trao cho các đơn vị và vận động viên có thành tích xuất sắc. Ngay sau lễ khai mạc, 4 môn thi đấu: Bóng đá Futsal, Đẩy gậy, Kéo co và Điền kinh tiếp tục được tổ chức thi đấu và dự kiến kết thúc vào ngày 26/9./.