* Trong tuần qua, dư luận thế giới tiếp tục quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; về các cuộc xung đột vũ trang: Nga lần đầu sử dụng hệ thống phòng không Pantsir-M trong xung đột ở Ukraine; Tổng thư ký NATO: Ukraine có thể phải thỏa hiệp với Nga để chấm dứt xung đột; Thủ tướng Israel nêu điều kiện ngừng bắn ở Dải Gaza; Tình hình ngập lụt nghiêm trọng do vỡ đập ở Nga;…

- Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine cuối cùng có thể phải chấp thuận một số thỏa hiệp với Nga để chấm dứt xung đột.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC hôm 6/4, người đứng đầu NATO nhắc lại phương Tây phải hỗ trợ Ukraine về lâu dài ngay cả khi liên minh này tin tưởng và hy vọng rằng xung đột sẽ kết thúc trong tương lai gần.

Ông nói thêm các nước phương Tây nên đầu tư vào khả năng phòng thủ của Ukraine để giúp nước này kiên cường hơn trong trường hợp xung đột leo thang hơn nữa trong tương lai. Ông cho hay Ukraine có quyền lựa chọn thời điểm và điều kiện để tìm kiếm hòa bình với Nga.

“Cuối cùng, Ukraine phải là nước quyết định lựa chọn phương án thỏa hiệp nào mà họ sẵn sàng thực hiện”, ông Stoltenberg nói và cho biết vai trò của phương Tây là giúp Kiev đạt được lập trường đàm phán có thể tạo ra “kết quả có thể chấp nhận được”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh ông không thúc ép Kiev phải nhượng bộ bất kỳ điều gì. Theo người đứng đầu NATO, hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được khi Ukraine giành chiến thắng.

Đầu tuần này, Tổng thư ký NATO tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Kiev về lâu dài. Theo một số báo cáo, ông Stoltenberg đã đề xuất gói viện trợ quân sự trị giá 107 tỷ USD trong 5 năm cho Ukraine. Chi tiết của sáng kiến này vẫn đang được thảo luận.

Trong suốt cuộc xung đột, Nga luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Nga nếu Tổng thống Putin còn nắm quyền.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề xuất công thức hòa bình gồm 10 điểm, yêu cầu Moskva rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Kiev, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức Nga vì cáo buộc tội ác chiến tranh. Moskva đã bác bỏ công thức này vì cho rằng sáng kiến này “xa rời thực tế”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico hôm 6/4, Chánh Văn phòng của Tổng thống Zelensky, ông Andrey Yermak, tuyên bố Ukraine quyết liệt phản đối bất kỳ thỏa hiệp nào với Nga.

Tuy nhiên, tháng trước Tổng thống Zelensky cho rằng việc quay trở lại biên giới năm 1991 của Ukraine không còn là điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định Kiev phải lấy lại lãnh thổ đã rơi vào tay Moskva năm 2022.

Về phần mình, Moskva cho biết Ukraine phải tính đến thực tế là biên giới của nước này đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi bắt đầu chiến sự.

- Ngày 7/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không có lệnh ngừng bắn cho đến khi phong trào Hamas thả tất cả các con tin.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Tel Aviv ngày 31/3/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp nội các đánh dấu 6 tháng kể từ khi xung đột nổ ra tại Gaza, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh Israel sẵn sàng cho một thỏa thuận, nhưng sẽ không có lệnh ngừng bắn nếu phong trào Hamas không trả tự do cho các con tin. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đàm phán về lệnh ngừng bắn có sự tham gia các nhà hòa giải quốc tế chuẩn bị nối lại tại Cairo (Ai Cập). Một quan chức Israel xác nhận phái đoàn của nước này sẽ tham gia vòng đàm phán mới nhất.

Các vòng đàm phán ngừng bắn trước đó đã không đạt được kết quả vì Israel yêu cầu Hamas thả tất cả các con tin còn lại ở Gaza, trong khi lực lượng Hamas nói rằng các con tin sẽ được phóng thích từng giai đoạn và bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải dẫn một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

* Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hối thúc phong trào Hamas thả các con tin và kêu gọi tạm dừng giao tranh ngay lập tức tại Gaza.

Trong khi đó, trong bài báo đăng trên tờ The Sunday Times, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố sự ủng hộ của Anh đối với Israel phụ thuộc vào việc nước này tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ nạn đói trên quy mô lớn nếu Israel không cho phép thêm hàng cứu trợ vào Gaza.

Trước đó một ngày, Anh thông báo sẽ cung cấp một tàu hải quân để tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm vận chuyển hàng cứu trợ vào Gaza.

Theo cơ quan y tế Dải Gaza, kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza vào tháng 10/2023, đã có 33.175 người Palestine thiệt mạng và 75.886 người bị thương. Trong khi đó, thống kê bên phía Israel là 1.170 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường. Tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi khi cuộc xung đột tại Gaza kéo dài được 6 tháng.

- Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 6/4, Ủy ban điều tra tỉnh Orenburg đã khởi tố hình sự vụ vỡ đập ở thành phố cùng tên của tỉnh để làm rõ trách nhiệm và những vi phạm là nguyên nhân gây ra ngập lụt diện rộng tại đây. Đích thân Bộ trưởng Bộ các tình trạng khẩn cấp liên bang Nga Aleksander Kurenkov đã đến Orsk để kiểm tra và điều phối hoạt động cứu nạn.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt do vỡ đập tại thị trấn Orsk, Orenburg, Nga, ngày 6/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Viện công tố tỉnh cho biết đập Orsk vỡ có thể do đã không được bảo dưỡng đầy đủ. Có thông tin từ cổng mua sắm công, từ năm 2021, chính quyền tỉnh đã giảm hơn 30% chi phí bảo dưỡng con đập.

Ngày 6/4, bộ trên thông báo xảy ra thêm một vụ vỡ đập mới khiến thêm nhiều vùng bị ngập lụt. Chính quyền tỉnh đánh giá tình hình đang diễn biến theo kịch bản xấu nhất khi chỉ trong 24 giờ qua mực nước sông Ural ở đây đã dâng cao thêm 28 cm, nhiều nơi mấp mé mặt đập.

Tính đến sáng 7/4, trong thành phố vẫn còn 1.784 vùng với gần 6.500 ngôi nhà bị ngập lụt, mực nước lụt có nơi sâu tới 2 mét. Thị trưởng Orsk gọi đây là trận lụt lớn nhất trong lịch sử toàn khu vực.

Hiện chính quyền đang gấp rút tổ chức cung cấp nước sạch và thực phẩm cho người dân thành phố. Do vụ vỡ đập, tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng tại Orsk từ ngày 4/7.

* Trong tuần, từ ngày 1 - 7/4, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương; Kỳ họp thứ 39 của UBKT Trung ương xem xét nhiều nội dung quan trọng; Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ; hệ thống của PVOIL bị hacker tấn công; chủ trương tách một số trường công lập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; diễn biến mới hàng loạt vụ án kinh tế “nóng”…

- Trong tuần qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và quý II/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Quý I/2024, hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội đều khởi sắc hơn so với quý I/2023:

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội có những điểm sáng; công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường; công tác đối ngoại được đẩy mạnh... Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, tiến độ của nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng do thiếu cát lấp nền, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm “5 quyết tâm”: Khắc phục mọi khó khăn, thách thức; thực hiện "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác", luôn theo phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó là “5 bảo đảm”: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển minh bạch thị trường bất động sản, vốn; triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/202 và an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Thủ tướng cũng yêu cầu “5 đẩy mạnh”: Tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mới nổi; huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, giải quyết vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân; hoàn thiện thể chế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới; thúc đẩy hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số triển khai hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; đoàn kết, nhất trí; tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; điều hành quyết liệt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ... thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

- Tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 39, xem xét, kết luận các nội dung quan trọng.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 – 2021; thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 37 cảnh cáo, khiển trách Ban cán sự đảng TAND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020 – 2025; xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm tại Đảng bộ các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Bình Phước; xem xét, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Bằng và Thành ủy Cần Thơ; xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.

Theo đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí trong diện xem xét, thi hành kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

- Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, sáng 7/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7 - 12/4/2024.

Chú thích ảnh
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tiễn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Tham gia đoàn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc; Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc Nguyễn Hoàng Anh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Cùng tham gia đoàn có: Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

* Trong tuần Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân làm việc tại Thái Nguyên; Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH; Chỉ số PAPI năm 2023: Thái Nguyên vươn lên xếp thứ 2 cả nước; Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện;…

- Trong hai ngày 3 và 4/4, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Thái Nguyên.

Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sửa soạn vòng hoa kính dâng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Định Hóa. Phát biểu tại đây, Quyền Chủ tịch nước mong muốn Định Hóa tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh; phát huy tốt lợi thế, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng, thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế. Đồng thời tiếp tục quan tâm tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

Đối với tỉnh Thái Nguyên, Quyền Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, biến khó khăn, thách thức thành động lực, cơ hội phát triển, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống của Nhân dân. Cũng trong chương trình làm việc, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng 50 suất quà cho người có công với cách mạng, 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Định Hóa.

Tiếp tục năng động, sáng tạo để xây dựng mô hình quản trị Đại học hiện đại
Quyền Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên

Tham dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Đại học Thái Nguyên, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao việc Đại học Thái nguyên xác định tầm nhìn đến năm 2045, nằm trong nhóm 500 trường Đại học hàng đầu Châu Á. Để hiện thực hoá khát vọng lớn lao đó, đồng chí đề nghị Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới; năng động, sáng tạo có phương pháp, cách làm bài bản, khoa học có lộ trình, bước đi phù hợp, trong đó cần xây dựng mô hình quản trị đại học hiện đại, kiên trì thực hiện tự chủ, không chỉ về tài chính, đầu tư mà còn tự chủ về chương trình, phương pháp đào tạo, tiếp cận với xu thế hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thực sự lấy người học làm trung tâm, lấy nhu cầu của xã hội là tiêu chí, theo kịp xu thế đào tạo tiên tiến và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

- “Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; tập trung thúc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; nâng cao chất lượng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn” là chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Trường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại phiên họp thứ 32 của UBND tỉnh.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I cho thấy, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,15% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành CN tăng 6,19%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 203 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 8,9 tỷ USD, tăng 22,6%, đạt mức cao nhất cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Trong quý I, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 4 dự án ngoài ngân sách; chấp thuận đầu tư cho 6 dự án; 7 dự án FDI được cấp mới. Các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh… được duy trì ổn định và có sự phát triển đồng bộ.

- Chỉ số PAPI năm 2023: Thái Nguyên vươn lên xếp thứ 2 cả nước

Chỉ số PAPI đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền
Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên đạt tổng điểm 45,7875, nằm trong 15 địa phương thuộc nhóm "cao"; đứng thứ hai cả nước sau Thừa Thiên - Huế là thông tin tại lễ công bố Chỉ số PAPI năm 2023. Kết quả này cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của Thái Nguyên trong nỗ lực cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công khi chỉ số tổng hợp tăng 2,77 điểm so với năm 2022; 7/8 chỉ số nội dung đều được cải thiện. Những phân tích và đánh giá chi tiết về nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong Mục Chuyện Cuối tuần ở phần sau của Chương trình. Mời QV và Cb quan tâm theo dõi.

- Gần 400 đơn vị máu đã được đông đảo sinh viên và người dân hiến ngay tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4 và phát động chiến dịch “Những giọt máu hồng, hè năm 2024.

Đây là một trong những hoạt động cao điểm nằm trong chuỗi các sự kiện, chiến dịch vận động hiến máu lớn mà Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thái Nguyên tổ chức từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, với chỉ tiêu phấn đấu đạt khoảng 11.000 đơn vị máu. 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận trên 150.000 đơn vị máu, cung cấp cho các bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương. Riêng năm 2023, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền vận động và tiếp nhận được gần 30.000 đơn vị máu an toàn đủ tiêu chuẩn./.