Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông: Mô hình cần được nhân rộng
Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp, các địa phương triển khai, nhân rộng mô hình “Các điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông”. |
Tham gia chương trình tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu chấn thương do tai nạn giao thông, ông Vũ Mạnh Hùng cùng các tình nguyện viên mô hình điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương đã nắm được kiến thức cơ bản, cách xử lý tình huống, các bước sơ cấp cứu và cách sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ cho công tác sơ cấp cứu khi có tai nạn giao thông xẩy ra.
Ông Vũ Mạnh Hùng, xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương cho biết: "Khu vực dọc tuyến đường quốc lộ 3 xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, có những vụ tai nạn rất là thương tâm. Trước đây bà con cũng chỉ biết là sơ cứu và đưa bệnh nhân đi bệnh viện, các kỹ năng về sơ cấp cứu thì cũng chưa được biết, chưa được tập huấn. Cái kỹ năng về sơ cấp cứu cho các cái vụ tai nạn giao thông tôi thấy là rất có ý nghĩa, vì nếu mà mình mà đã sơ cứu được ban đầu thì sẽ giảm thiểu vấn đề về tử vong cho bệnh nhân".
Ông Lăng Tiến Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương thông tin: "Chốt này cũng là mới, hôm nay tổ chức lớp tập huấn để những thành viên nắm bắt được sơ lược về công tác sơ cấp cứu. Nội dung này triển khai đến các chi hội tập huấn hôm nay là thường xuyên nắm bắt và bám sát những kỹ năng của mình được học và thực hành vào thực tế với việc cứu hộ, cứu nạn trong an toàn giao thông".
Cùng với công tác tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu chấn thương do tai nạn giao thông gây ra. Từ đầu năm đến nay, Ban An toàn giao thông đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh, các huyện, thành phố tiến hành khảo sát thành lập 5 trạm, điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông, đầu tư gần hai trăm triệu đồng trang thiết bị ý tế phục vụ sơ cấp cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông. Nâng tổng số và duy trì hoạt động các trạm, điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông trên địa bàn lên con số trên 50 điểm với hàng trăm tình nguyện viên tham gia.
Bà Dương Thị Thu Lê, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Lương cho biết: "Để duy trì thực hiện các điểm, trạm sơ cấp cứu hiệu quả thì trước tiên Hội Chữ thập đỏ huyện cũng triển khai các văn bản đến Hội Chữ thập đỏ xã, phối kết hợp để thực hiện công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát, động viên kịp thời các tình nguyện viên để thực hiện công tác sơ cấp cứu mang cái ý nghĩa nhân văn sâu sắc là cứu người".
Từ đầu năm đến nay, Ban An toàn giao thông phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh, các huyện, thành phố thành lập 5 trạm, điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông |
Thời gian qua, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông đang trở thành vấn đề bức xúc, gây nhiều tổn thất về tính mạng, tài sản của người dân. Tỉnh Thái Nguyên mỗi năm xảy ra khoảng 700 vụ tai nạn giao thông, làm chết khoảng 50 người, bị thương gần 1000 người. Vì vậy việc thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả những trạm, điểm sơ cấp cứu chấn thương do tai nạn thương tích, tai nạn giao thông gây ra đã và sẽ là một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện “Đề án Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”.
Ông Phạm Công Huấn, Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Một trong những nhiệm vụ của đề án đó là xây dựng các mô hình trạm, điểm sơ cấp cứu về tai nạn giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát và nhân rộng để tất cả những tuyến đường, những khu vực, những nơi có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp thì đều được xây dựng các mô hình trạm, điểm sơ cấp cứu, để kịp thời sơ cứu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông trước khi đưa đến các cái cơ sở y tế".
Hoạt động của mô hình, điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tính tương trợ trong cộng đồng để giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông được cấp cứu kịp thời, giảm thương tật hoặc nguy hiểm đến tính mạng./.