Đề xuất hủy công văn 'cấm dạy ngoài sách giáo khoa' của Bộ GD&ĐT
Chỉ đạo bị nhầm lẫn?
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết, khi công văn 4612/BGDĐT-GDTrH chỉ đạo “cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa” của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký gây xôn xao dư luận vừa qua, tôi có đọc kỹ lại nội dung nhận thấy rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta vốn dĩ đã quen với kiểu top-down (chỉ đạo từ trên xuống) và tập trung quyền lực. Cũng vì vậy mà một văn bản như công văn nêu sẽ không gây bức xúc, ý kiến gì trừ câu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.
Ngoài sách giáo khoa, cả giáo viên lẫn học sinh đều có quyền tham khảo các tài liệu khác để xây dựng/ thẩm thấu nội dung dạy học. (Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM) trong giờ học liên môn Lịch sử - Địa lý) |
Theo bà Huyền, rõ ràng đây là một câu “nói hớ” của Bộ. Và nói hớ về câu từ, diễn đạt thì Bộ có thể nhận sai sót và xóa đi là xong. Nhưng khi đọc kỹ công văn, không chỉ sai về mặt câu chữ mà nghiêm trọng hơn là toàn đoạn chỉ đạo số 1 của công văn.
Với nội dung này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, ẩn sâu trong đó là sự nhầm lẫn trong cách hiểu các khái niệm cơ bản của giáo dục. Cả chỉ đạo liên quan kế hoạch giáo dục nhưng chỉ xoáy sâu vào sách giáo khoa, chẳng khác nào đồng nhất khái niệm “chương trình giáo dục”, “nội dung dạy học” với “sách giáo khoa”.
Bà Huyền phân tích, chương trình giáo dục của nhà trường không chỉ gồm có hoạt động dạy học mà còn các hoạt động giáo dục khác (văn hoá, văn nghệ, thể thao, vui chơi, tình nguyện....). Mỗi hoạt động đều có mục tiêu, nội dung, phương pháp tiến hành, phương tiện hỗ trợ cụ thể.
Còn nội dung dạy học là hệ thống các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà giáo viên và học sinh cùng tương tác với nhau để giúp học sinh có thể lĩnh hội được. Nội dung dạy học là một phần tri thức của nhân loại được lựa chọn, sắp xếp, hệ thống lại trong trường học.
Còn sách giáo khoa là một phương tiện dạy học chứ không phải là nội dung dạy học. Đây là phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên trong việc biên soạn nội dung dạy học, là phương tiện để hỗ trợ cho học sinh trong việc tiếp thu các nội dung dạy học. Ngoài sách giáo khoa, cả giáo viên lẫn học sinh đều có quyền tham khảo các tài liệu khác để xây dựng/ thẩm thấu nội dung dạy học.
Đề xuất thu hồi công văn 4612
TS Bùi Việt Hà đề xuất nên thu hồi công văn 4612 và phát hành cái khác chứ không phải chỉ có đính chính bằng phát biểu của một Vụ phó. Mà theo ông, phát biểu này chưa hợp lý, không phù hợp, cụ thể: Đại điện Bộ GD-ĐT giải thích: "Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa" cần được hiểu là "không được phép dạy vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành".
Khi dạy trên lớp, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của học sinh, giáo viên được quyền dạy vượt hoặc ngoài chương trình cơ bản hiện hành. Điều cần cấm tuyệt đối chính là cấm kiểm tra đánh giá thường xuyên (có ghi điểm) kiến thức khó vượt quá kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành.
“Đã từ lâu vấn đề học quá tải, nhồi nhét trong trường phổ thông chính là ở việc đánh giá kiểm tra này. Giáo viên cho bài kiểm tra quá khó (vượt chương trình), học sinh bị điểm kém, lo sợ và phải đi học thêm để đạt điểm yêu cầu. Đây chính là chỗ có nhiều tiêu cực từ phía giáo viên. Do vậy cần cấm điều này”, ông Hà nêu quan điểm.
Còn việc dạy trên lớp, ông Hà cho rằng, nếu học sinh ngoan, hợp tác, học giỏi thì giáo viên phải được quyền dạy mở rộng, nhưng việc dạy đó không bắt buộc và không kiểm tra đánh giá, mục đích là làm cho học sinh yêu thích môn học của mình hơn.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, chính những chỉ đạo kiểu này chỉ củng cố thêm cách hiểu sai của các cấp quản lý giáo dục và giáo viên trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời cũng “đổ đá” thêm vào niềm tin vốn dĩ đã “vững như bàn thạch” của nhiều giáo viên: sách giáo khoa là chân lý, sách giáo khoa là kim chỉ nam mọi hoạt động dạy học trong nhà trường.
Thứ niềm tin này triệt tiêu sự sáng tạo và chủ động của giáo viên trong việc cập nhật những tri thức mới, linh hoạt trong việc thiết kế nội dung dạy học cho phù hợp với thực tiễn giáo dục của nhà trường, của lớp đang phụ trách.
Sai sót câu chữ không nghiêm trọng bằng việc hiểu sai về chương trình giáo dục, nội dung dạy học. Hay có thể nói là sai về tư duy.
Bà Huyền cũng đề xuất thay vì "chữa cháy" chuyện một câu chữ gây hiểu lầm, Bộ nên ra một văn bản khác, sửa sai cả phần chỉ đạo số 1. Trong đó phải yêu cầu các trường dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học để thiết kế nội dung dạy học phù hợp, không vượt quá yêu cầu của chuẩn. Có thể tham khảo sách giáo khoa và các tài liệu khác trong quá trình biên soạn nội dung dạy học.
1. Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường
a) Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa;
b) Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
(Trích đoạn 1 Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thong hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh năm học 2017-2018 được phát đi ngày 3/10/2017)