Thiếu hàng nghìn phòng học khi áp dụng chương trình mới
Thiếu hàng nghìn phòng học
Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỷ lệ kiên cố khoảng 75%. Trong đó, mầm non là 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%.
Riêng vùng miền núi phía Bắc, vùng Tây nguyên, Tây Nam bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp hơn nữa. Cá biệt, vùng Tây nguyên, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bậc mầm non chỉ đạt dưới 45%.
Với chương trình hiện hành, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi đã thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu. Cả 3 khu vực khó khăn là vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, thiết bị dạy học tối thiểu đều chưa đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, địa phương này đã rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất - thiết bị để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư cơ sở vật chất mua sắm thiết bị để triển khai Chương trình phổ thông mới đối với toàn tỉnh Phú Thọ là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư cấp tiểu học trước. Riêng cấp tiểu học, để triển khai Chương trình mới lớp 1, năm học 2020-2021, cần bổ sung 436 phòng học, 228 phòng máy tính và 5.500 máy vi tính. Nhu cầu như vậy đối với một tỉnh miền núi như Phú Thọ là rất khó khăn.
Mặc dù vậy, địa phương cũng cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Chương trình mới đạt hiệu quả.
Nhiều địa phương chưa đủ phòng học khi áp dụng chương trình mới. (Ảnh minh họa) |
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng cho hay, địa phương này còn nhiều trường vẫn sử dụng nhà tạm, chưa đủ phòng học nên cần có kinh phí để hỗ trợ một phần cho các tỉnh giúp kiên cố hóa trường lớp học.
“Mặc dù có thể kế thừa thiết bị cũ nhưng chương trình mới cần thiết bị mới nên phải trang bị thêm rất nhiều. Do đó, có thể lũy kế theo kiểu năm nay triển khai lớp một, năm sau lớp hai… để có kế hoạch tổng thể”, ông Quý chia sẻ.
Cũng là thiếu phòng học, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thì cho rằng, địa phương này đang quá tải lớp học bởi đất chật, người đông.
Để giải quyết vấn đề phòng học, chuẩn bị cho lộ trình áp dụng chương trình mới, từ đầu năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai tới tất cả các phòng GD&ĐT trên địa bàn TP, các trường trực thuộc, các giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình giáo dục tổng thể.
Ngành GD&ĐT Thủ đô đã đề nghị TP về các điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và được thông qua việc bổ sung đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, TP đã thông qua đề án cho xây mới, bổ sung thêm 222 trường, lớp với tổng kinh phí đầu tư 5.549,2 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư hàng năm cho việc mua sắm cơ sở vật chất.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng mong muốn, Bộ ban hành quy định tối thiểu về cơ sở vật chất, các phòng học bộ môn. Đồng thời, có giải pháp để giảm số học sinh/lớp nhất là đối với các trường có đông học sinh như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đủ điều kiện áp dụng chương trình mới.
Học sinh tiểu học ở Hà Nội phải học luân phiên vì thiếu phòng học (Ảnh: Đ. Cường) |
Từng bước “lấp đầy” thiếu hụt
Trao đổi tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành, nhằm chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình phổ thông mới, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 9/1, ông Phạm Hùng Anh cho biết, Bộ đặt ra mục tiêu từng bước giải quyết sự thiếu hụt cơ sở vật chất khi triển khai chương trình mới.
Về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày và cấp THCS, THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Về thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Dự kiến quý I/2019, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp còn lại theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong quý I/2020. Bộ yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, sau buổi họp này, các vụ cục sẽ tiếp thu và phân công phối hợp tường minh để triển khai nhịp nhàng, đặc biệt hỗ trợ các tỉnh đặc biệt khó khăn về các mặt.
Với các địa phương thiếu đất đai xây trường khiến quá tải, học sinh đông, theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Xây dựng để điều chỉnh lại quy chuẩn trường sao cho phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, quan điểm người đứng đầu ngành giáo dục đưa ra, địa phương cần chủ động và có các giải pháp quy hoạch.
Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất trường học, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng (74,9%). Trong đó mầm non 64,9%, tiểu học 72,2% , THCS 83,4% , THPT 93,9%. Về phòng học bộ môn, cấp THCS có 47.383 phòng/10.582 trường, tỷ lệ 4,5 phòng/trường. Trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỷ lệ 69,9%; cấp THPT có 13.019 phòng/2.463 trường tỷ lệ 5,3 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỷ lệ 76,6%). Về trang thiết bị dạy học tối thiểu: mầm non đạt 47,9% so với nhu cầu, tiểu học đạt 56,1%, THCS đạt 54,3% và THPT hiện ở mức cao nhất, đạt 58,9%. |