Dè dặt với xăng E5, người dân chi thêm tiền mua RON 95: Lãng phí cực kỳ lớn
Một câu hỏi đặt ra, liệu tâm lý “e dè” đối với E5 nói trên của người tiêu dùng phải chăng là do động thái của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền là chưa đủ hay chất lượng E5 đúng là có "vấn đề" |
Người bán lẫn người mua đều còn “ngại” E5
Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch Công ty CP Xăng dầu Tự lực I cho biết, tỷ lệ bán xăng E5 hiện nay còn khá thấp so với RON 95, chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng sản lượng tiêu thụ.
Khảo sát thực tế một số cây xăng khác trên địa bản Hà Nội cũng cho thấy, người tiêu dùng vẫn còn khá dè dặt với E5 và “chuộng” RON 95 hơn mặc dù loại xăng này đắt hơn.
Một nhân viên cây xăng tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Nhiều người có tâm lý ngại đổ xăng E5, đặc biệt những người đi các dòng xe đắt tiền. Mặc dù giá tiền chênh gần 2 nghìn đồng/lít nhưng họ vẫn chấp nhận”.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng việc người tiêu dùng chuyển qua sử dụng xăng RON 95 thay vì dùng E5 khi RON 92 bị “khai tử” gây một sự lãng phí rất lớn.
Mới đây khi đề xuất cho bán trở lại RON 92, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro) cho rằng, xã hội đang lãng phí đến 400 tỷ đồng mỗi tháng khi thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5. Vì tỷ lệ tiêu thụ E5 lại ở mức quá thấp, doanh nghiệp này đã kiến nghị nên cho “hồi sinh” xăng RON 92.
Không chỉ khiến người tiêu dùng tiêu tốn thêm hàng trăm tỷ mỗi tháng, theo phản ánh của doanh nghiệp, khi các chi phí của các cửa hàng kinh doanh xăng thu không đủ bù chi, so sản lượng tiêu thụ quá thấp, tồn kho kéo dài ngày, tỷ lệ hao hụt cũng cao hơn. Điều này về lâu dài có ảnh hưởng rất lớn đối với “sức khoẻ” của doanh nghiệp.
Bán “ế”, chiết khấu E5 lại thấp hơn RON 95 nên nhiều cửa hàng cũng có sự “phân biệt” đối với hai loại xăng này. Theo đó, không ít cửa hàng ưu tiên bán xăng RON 95 nhiều hơn, bố trí cột bơm xăng E5 ít hơn, thậm chí có cửa chỉ toàn bán xăng RON 95.
Lãng phí không cần thiết?
Trao đổi với Dân trí, TS. Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay nhiều xe không cần thiết phải đổ xăng RON 95 nhưng vẫn đổ, đó là một sự lãng phí rất lớn đối với người tiêu dùng.
“Trên thực tế, xăng E5 an toàn đối với động cơ của các phương tiện, nếu loại xe nào không phù hợp với xăng E5 thì cũng có số lượng hạn chế. Bản thân tôi cũng dùng xăng E5 cho xe của mình và kông thấy vấn đề gì cả”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, dù E5 hay RON 95 thì tỷ lệ pha trộn đều được đảm bảo về chỉ số chống kích nổ và các chỉ tiêu chất lượng khác…
“Có thể do tâm lý nên nhiều người tiêu dùng cảm thấy máy không bốc hay thế này thế khác khi đổ E5. Việc máy móc có đảm bảo hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như người đi xe có thường xuyên bảo dưỡng hay không”, ông Hà nói và cho rằng người dân nên cân nhắc để lựa chọn cho phù hợp, tránh sự lãng phí không cần thiết.
Quả thực, rất nhiều người đã nói “không” với E5 chỉ vì yếu tố tâm lý. Một người tiêu dùng chia sẻ với chúng tôi, họ không dùng xăng E5 bởi vì “nghe nhiều người nói dùng xăng E5 xe khó nổ máy khi để lâu ngày không đi. Dùng lâu có thể bị mòn rỉ động cơ gây cháy nổ”.
Thậm chí, nhiều chủ xe máy cũng thừa nhận việc đổ RON 95 với giá thành cao hơn là không cần thiết nhưng vẫn chấp nhận vì không muốn dùng E5. Nếu được chọn, họ vẫn muốn quay trở lại dùng RON 92.
Rõ ràng tâm lý nghi ngại của người dân là có cơ sở khi mới đây, Phòng Thương mại ô tô Australia (FCAI), tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô - xe máy Australia cũng đã đưa ra khuyến cáo về loại xăng này và liệt kê một loạt mẫu xe không phù hợp với xăng E5 hoặc E10, trong đó có khá nhiều loại xe đời cũ tương đồng với các phương tiện đang lưu hành rộng rãi tại Việt Nam.
Một câu hỏi đặt ra, liệu tâm lý “e dè” đối với E5 nói trên của người tiêu dùng phải chăng là do động thái của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền là chưa đủ hay chất lượng E5 đúng là có "vấn đề". Dù là vì lý do gì thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc làm rõ vấn đề này là rất cần thiết. Qua đó mới có thể có định hướng cho người dân trong việc tiêu dùng, tránh sự lãng phí không cần thiết.