Giảm thuế môi trường để khuyến khích xăng E5: Bộ nói không hợp lý!
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để phù hợp với các quy định của pháp luật, chính sách của Chính phủ trong khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường… cần điều chỉnh mức giảm thuế bảo vệ môi trường của xăng sinh học so với xăng khoáng dựa trên số liệu về khí phát thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng Bộ Tài chính cần điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng này để góp phần giảm giá bán, tăng cạnh tranh.
Xăng E5 được biết đến với công thức 5% ethanol trộn cùng 95% xăng RON 92. Theo đó, phần thuế bảo vệ môi trường được ưu đãi đối với xăng E5 chỉ được áp dụng với phần 5% ethanol; còn lại 95% xăng RON 92 trong công thức xăng E5 vẫn chịu thuế môi trường ở mức cao.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 chỉ bằng 95% so với mức thuế của các loại xăng khác, tương đương 2.850 đồng/lít, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dầu diezel (nhiên liệu tiêu chuẩn khí thải mức II, đang được áp thuế bảo vệ môi trường là 1.500 đồng/lít), gây bất hợp lý, không khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học.
Thực tế thống kê thị trường vừa qua cho thấy, sau khi khai tử xăng RON 92 sản lượng bán chủ yếu lại dồn về phía xăng RON 95, từ khoảng 30%-35% trước đây đã tăng lên đến gần 60% như hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam từng kiến nghị về việc giảm thuế cho xăng E5 cho rằng, xăng E5 có tác động tốt đến môi trường, do vậy, đề nghị áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng, không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỉ lệ ethanol như hiện nay bởi nếu chỉ tính đến 5% thì chênh lệch giá không đáng kể.
“Cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít sẽ tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON 95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít. Theo chúng tôi, đây là biện pháp cơ bản và lâu dài nên áp dụng”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, phản hồi quan điểm về việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi đối với xăng dầu sinh học để khuyến khích sử dụng loại nhiên liệu này, Bộ Tài chính cho rằng, trong hệ thống thuế, mỗi sắc thuế có mục tiêu điều chỉnh riêng.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, để khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định thuế suất ưu đãi đối với xăng sinh học E5 (5% ethanol), E10 (10% ethanol) như sau: mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%. Như vậy, trường hợp xăng khoáng và xăng E5 cùng một giá tính thuế thì giá xăng E5 thấp hơn giá xăng khoáng là 3%.
Trong khi đó, Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định chỉ thu đối với xăng dầu gốc hóa thạch (xăng khoáng), không thu thuế đối với ethanol. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch (thường gọi là xăng dầu sinh học) thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường theo tỷ lệ xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học.
Bộ Tài chính cho rằng, hiện hành, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 3.000 đồng/lít, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 150 đồng/lít. Nếu quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng là 4.000 đồng/lít thì đối với xăng E5 thấp hơn xăng khoáng là 200 đồng/lít, giảm 50 đồng/lít so với hiện hành. Từ đó sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng khoáng.
"Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng với giải pháp khác như quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học sẽ góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng dầu sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường", Bộ Tài chính cho biết.
Theo đó, cơ quan này khẳng định, việc quy định mức thuế "bảo vệ môi trường ưu đãi" đối với xăng dầu sinh học tại Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường là chưa phù hợp.