Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Các giao dịch thanh toán điện tử ngày càng tăng vì tính tiện ích,chính xác, nhanh gọn

Hiệu quả sử dụng là minh chứng thuyết phục nhất cho sự thuận tiện khi áp dụng thanh toán điện tử - hay còn gọi là thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc công ty TNHH Lệ Thanh chia sẻ về tiện ích: “Tôi thanh toán cho 5 cơ sở nhưng tôi chỉ cần dùng điện thoại bấm internetbanking là trả được tận nơi. Tôi thấy nhanh chóng lắm”.

Từ đầu năm 2021, khi trường Mầm non Trưng Vương sử dụng Dịch vụ thu hộ học phí của BIDV, công việc của nhân viên kế toán nhà trường đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Kế toán trường Mầm non Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Học phí của các cháu là đã cố định rồi. Chỉ cần vào vé ăn theo số lượng thực tế của các cháu thì rất là dễ và cũng nhanh chóng và không có gì phức tạp cả”.

Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Thái Nguyên thông tin: “BIDV chi nhánh Thái Nguyên kết nối với trên 40 trường dịch vụ thu hộ học phí online, kết nối thành công và đang giao dịch thành công là trên 20 trường”.

Để dành lợi thế trong cuộc đua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), đồng thời phát triển nhiều hệ thống thanh toán hiện đại. Việc đưa ra các gói tài khoản giao dịch tích hợp nhiều dịch vụ, hỗ trợ chuyển tiền miễn phí của Vietcombank trong tháng 2, là 1 ví dụ điển hình:

Ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: “Vietcombank triển khai 4 gói sản phẩm cho DGBank. Trong đó, có các sản phẩm từ tiêu dùng thiết yếu nhất, đến các tiêu dùng cấp cao. Khi triển khai 4 gói sản phẩm này thì hàng tháng đều có số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tăng lên rất cao, giúp khách hàng tiến tới tiệm cận thanh toán không dùng tiền mặt”.

Hiện nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã nộp thuế điện tử, các hộ kinh doanh có tài khoản ngân hàng đã nộp thuế qua tài khoản; các khoản thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy cũng được thực hiện qua ngân hàng. Kết thúc năm 2020, 99,9% số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn được thực hiện qua các hệ thống thanh toán của ngân hàng và Kho bạc nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan cho biết: “Công ty Hà Lan sử dụng toàn bộ hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, các hình thức thanh toán điện tử, quản lý tài chính kế toán cho công ty được kịp thời cũng như là minh bạch”.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Cuộc đua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gia tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ở nhiều lĩnh vực đã góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân bởi sự thuận tiện khi thanh toán trực tuyến ngày càng được khẳng định.

Chị Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng kỹ thuật, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia khẳng định: “Thanh toán dịch vụ trực tuyến qua ngân hàng đảm bảo sự chính xác trong giao dịch; đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 263 máy ATM và 1.658 điểm chấp nhận thẻ để hỗ trợ người dân thanh toán trực tuyến. Song song với đó, các giải pháp nhằm nâng cao tỷ không dùng tiền mặt trong thanh toán đối với nhiều ngành và lĩnh vực thiết yếu.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên thông tin: “Chúng tôi đánh giá khoảng 50%-55% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. Việc thanh toán điện, điện nước trên địa bàn thành phố bằng thanh toán điện tử đã chiếm 60-70%. Đặc biệt điện thì đã có nơi đạt tới 80% là thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. Chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, ban ngành, trong thời gian tới, việc thanh toán tiền điện, nước, học phí, bảo hiểm y tế, an ninh xã hội sẽ thông qua thanh toán điện tử”.

Năm 2030, trên 80% người dân Thái Nguyên ở tuổi trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử - là mục tiêu không dễ thực hiện với Thái Nguyên, bởi hạ tầng, thiết bị điện tử, số hóa phục vụ giao dịch của tỉnh vẫn còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, với thực tế phát triển hiện nay, thì mục tiêu xây dựng 1 xã hội không tiền mặt là thách thức chung của nền kinh tế Việt Nam chứ không riêng gì Thái Nguyên.