Đặc sắc điệu múa sư tử mèo của đồng bào Nùng ở xứ Lạng
Thanh niên dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc học múa sư tử. (Nguồn: baolangson.vn) |
Từ năm 1992 trở lại đây, nghệ thuật múa sư tử mèo đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đặc biệt nhằm bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc này.
Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử thông thường nhưng mặt nạ có khuôn mặt của con mèo có sự kết hợp của nhiều màu sắc mạnh như đỏ, đen, vàng hay xanh đậm...
Người Nùng ở Xứ Lạng thường múa sư tử mèo vào các dịp Tết Nguyên đán, hội Lồng Tồng (xuống đồng), Trung thu và lễ vào nhà mới. Điệu múa sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ của người Nùng, những động tác múa võ vừa nhanh vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng thu hút hàng ngàn người xem trong dịp lễ hội Lồng Tồng.
Nếu như nghệ thuật múa sư tử của một số dân tộc thường có hình ông Địa cầm chiếc quạt đi đầu đoàn múa thì trong nghệ thuật múa sư tử mèo của người Nùng ở Lạng Sơn lại có những thanh niên mang gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng) thể hiện những thế võ mạnh mẽ của dân tộc.
Người Nùng quan niệm múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay.
Anh Hoàng Văn Cải, Đội trưởng Đội múa sư tử mèo và cũng là người truyền dạy môn nghệ thuật này ở thôn Xuân Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, cho biết múa sư tử mèo là nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc Nùng.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, môn nghệ thuật này đã bị mai một ít nhiều. Từ năm 1992 đến nay, được sự quan tâm của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, môn nghệ thuật này được khuyến khích phục hồi và phát triển.
Hiện nay, người Nùng tổ chức múa sư tử mèo vào các ngày hội, ngày lễ lớn của tỉnh Lạng Sơn và một số ngày lễ cổ truyền của đồng bào Nùng như ngày hội xuống đồng, ngày hội cầu mùa... Nghệ thuật múa sư tử mèo chỉ có ở dân tộc Nùng sinh sống ở các xã Gia Cát, Hải Yến, huyện Cao Lộc.
Múa sư tử mèo có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, múa chào, kính bái các miếu, các gian thờ. Múa trong ngày hội thì có thêm múa võ, múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng).
Ông Mã Văn Nhân, Trưởng thôn Tồng Riền, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, cho biết từ lâu, nghệ thuật múa sư tử mèo được người dân xã Hải Yến gìn giữ. Bản thân ông Nhân cũng học được cách múa, kinh nghiệm biểu diễn của cha ông truyền lại để ông tiếp tục truyền dạy lại cho con, cháu trong gia đình, dòng họ để biểu diễn vào dịp Tết và góp vui trong các ngày lễ lớn của xã, của huyện.
Vào dịp Tết Nguyên đán, đội múa sư tử mèo đi từng nhà trong bản để cầu cho gia chủ sức khỏe, năm mới ăn nên làm ra. Đồng bào Nùng ở các xã Hải Yến và Gia Cát, huyện Cao Lộc quan niệm năm mới sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó.
Hội lồng tồng cũng không thể thiếu màn múa sư tử với ba phần khác nhau: sư tử múa để cảm tạ thần thánh và múa để chào nhau, sư tử đùa nghịch và nả lình (nỏ) và một số dụng cụ khác, múa võ với những màn biểu diễn đơn và đối kháng kịch tích. Hiện nay, bảy thôn của xã Hải Yến đều có đội múa sử tử mèo.
Người dân đóng góp kinh phí đầu tư trang phục và các dụng cụ biểu diễn như chiêng, trống, thanh la. Khi vào mùa lễ hội, các đội múa sư tử mèo này đến các bản, làng cùng trình diễn, thi đấu, tạo không khí tươi vui phấn khởi. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết múa sư tử mèo là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Hải Yến và xã Gia Cát huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Trong từng bước đi, thế võ trong điệu múa đều thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chọn xã Hải Yến để mở lớp truyền dạy nghệ thuật múa sử tử mèo với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị của điệu múa này và nhân rộng ra một số địa phương lân cận./.