Đa dạng chính sách trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp
Nhiều chính sách hỗ trợ trong giáo dục nghề nghiệp thu hut lượng lớn học sinh theo học |
Em Trần Văn Dũng là con em thuộc diện hộ cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với nhiều chính sách hỗ trợ trong giáo dục nghề nghiệp, để giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình em đã chọn theo học nghề công nghệ ô tô tại Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên.
Em Trần Văn Đai, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ: "Khi em tham gia theo học tại trường em đã được miễn giảm học phí và được hỗ trợ thiết bị học tập. Em vừa được học chương trình văn hóa phổ thông buổi sáng và chiều em học các môn đào tạo nghề. Điều đó sẽ giúp ích cho e trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường."
Cũng giống như Dũng, em Lục Thị Lan, lớp Kế toán K21, trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng chi trả học phí nên khi biết được thông tin học nghề sẽ được miễn giảm 100% học phí, Lan đã quyết định lựa chọn đăng ký học tại Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp thay vì học đại học.
Em Lục Thị Lan, lớp Kế toán K21, trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp cho biết: "Học tập tại trường em được miễn tiền ăn, tiền học phí và chi phí sinh hoạt tại ký túc xá. Em cảm thấy rất may mắn vì với hoàn cảnh gia đình em thì việc miễn giảm học phí đã giảm gánh nặng cho gia đình em."
Với những nỗ lực tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ trong giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh được gần 39.000 học sinh trong đó hơn 2.200 en học hệ cao đẳng, gần 9.800 em học hệ trung cấp. Năm 2023, tính đến hết 9 các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh được gần 55.000 học sinh, sinh viên, trong đó hơn 3.000 em theo học hệ cao đẳng; hơn 15.300 em học hệ trung cấp; gần 36.300 em được đào tạo hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Mặc dù tỷ lệ tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn cơ bản hoàn thành, song thực tế vẫn có trường không đạt được chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Nguyễn Chí Nhân, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp cho biết: "Trong công tác tuyển sinh hệ cao đẳng không chỉ trường chúng tôi mà rất nhiều trường gặp nhiều khó khăn. Đối tượng tuyển sinh là các em học lớp 12, khi các em tốt nghiệp thì sự lựa chọn nghề nghiệp rất phong phú. Trong khi đó, các chỉ tiêu tại các trường đại học mở rộng cho các em."
Ông Nguyễn Chung Sức, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên mong muốn: "Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm tới vấn đề phân luồng cho người học, làm sao để có nhiều chương trình, hoạt động để tư vấn cho người dân và học sinh hiểu hơn nữa về các chính sách đãi ngộ của việc đào tạo nghề cho học sinh."
Việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề đối với người học và các cơ sở đào tạo nghề góp phần khích lệ, thu hút người lao động học nghề. Song để khắc phục được khó khăn của các nhà trường trong công tác tuyển sinh, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường tuyên truyền, định hướng cho học sinh và phụ huynh lựa chọn con đường học tập của bản thân, con em mình theo đúng khả năng, sở trường, hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.../.