Công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao - mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp sản xuât nông nghiệp
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia đã ứng dụng mộtsố công nghệ cao như là phân lập, ươm tạo và nhân giống trong sản xuất nấm.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia là một trong những doanh nghiệp sớm ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và các nguyên liệu hữu cơ để sản xuất nấm. Từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống, đến quá trình nuôi trồng và bảo quản nấm, công ty đều sử dụng các công nghệ hiện đại và không sử dụng các loại thuốc hóa học. Vì vậy, sản phẩm của doanh nghiệp đã từng bước đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các khách hàng khó tính ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, sản phẩm nấm của công ty cũng đang được bán tại nhiều siêu thị trong cả nước.

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia cho biết về quy trình sản xuất này: “Chúng tôi đã sử dụng một số công nghệ như là phân lập, ươm tạo và nhân giống các loại nấm cao cấp và sản xuất đại trà. Để có những sản phẩm tốt nhất khi xuất khẩu”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 1.200 ha, ở một số địa phương của thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Phú Lương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng mô hình, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, cũng như tham gia liên kết cung cấp sản phẩm theo chuỗi liên kết. Đối với cây chè - cây trồng chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, nhiều vùng sản xuất chè tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến cũng được hình thành. Trong đó tổng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là hơn 2.000 ha. Từ đó, góp phần hình thành mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Ntea Việt Nam cho biết những điều kiện cần thiết nhất khi làm mô hình này: “Doanh nghiệp ứng dụng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nhân lực thì rất khó có thể tiếp cận được những cái mới. Chúng tôi đã phát triển theo hướng chung với 10 tâm đắc của doanh nghiệp là chúng tôi cũng có ứng dụng nhất định vào việc đào tạo và quan trọng nhất vẫn là con người”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, trong tổng số trên 7.000 doanh nghiệp của tỉnh thì mới chỉ có 3 doanh nghiệp công nghệ cao; 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao.

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để thúc đẩy cần có sự nghiên cứu tổng thể, sau đó tham mưu các chính sách tạo ra điểm nhấn, để thúc đẩy mạnh hơn nữa cho những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao”.

Công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao - mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp sản xuât nông nghiệp
Thái Nguyên hiện chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao.

Công nghệ cao và ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đang diễn ra. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của công nghệ và tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Trong đó tập trung vào việc chuẩn bị nguồn lực tài chính và nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để đáp ứng được việc đổi mới, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, sẽ tạo dựng lên các doanh nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới./.