“Cổng làng Mông Phụ“: Phục dựng di sản Việt của giáo sư người Nhật
Chiều ngày 16/3, tại Hà Nội, lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ của GS. KTS Ejima Akiyoshi trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra dưới sự chủ trì của Sở VH-TT Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Sự kiện đã thu hút đông đảo những người yêu thích văn hóa, kiến trúc tới tham dự.
Mô hình cổng làng Mông Phụ được GS.KTS Ejima Akiyoshi phục dựng. Ảnh: Phương Huệ. |
Là người tâm huyết với việc phục dựng các di sản của Việt Nam, trong đó có làng cổ Đường Lâm, GS.KTS người Nhật Bản Ejima Akiyoshi đã phục dựng lại mô hình cổng làng Mông Phụ bằng sự nghiên cứu, tìm tòi của riêng mình
Phát biểu tại lễ trao tặng, GS.KTS Ejima Akiyoshi thể hiện mong muốn thông qua mô hình của mình có thể giúp được cho nhiều người có cơ hội tiếp cận về văn hóa, hiểu về quy trình phục dựng những di sản mà không làm mất đi các giá trị vốn có.
GS. KTS Ejima Akiyoshi là người đã từng tham gia nghiên cứu và trùng tu một số công trình kiến trúc ở phố cổ Hội An, nhà cổ ở Bắc Ninh và làng cổ Đường Lâm. Với ngôi làng cổ ở Hà Nội này, GS. KTS người Nhật đánh giá là một trong những làng cổ nhất ở Việt Nam, có nhiều giá trị độc đáo và cần được quan tâm duy trì, tu bổ, bảo tổn. Ông đặc biệt tâm huyết với dự án bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm, từng sang hướng dẫn tu bổ 17 lần trong giai đoạn từ 2007- 2012.
GS.KTS Ejima Akiyoshi bên tác phẩm của mình. Ông là một người tâm huyết với di sản Việt Nam. Ảnh: P.H |
Kết thúc lễ trao tặng, GS.KTS Ejima Akiyoshi cũng chia sẻ với báo chí về quá trình phục dựng tu sửa di sản văn hóa ở làng cổ Đường Lâm: “Khi bắt tay vào tu sửa, có nhiều công trình hư hại, người dân cũng mong muốn tu sửa nhưng lại theo hướng hiện đại. Đó là thời điểm, làng cổ đang lâm vào nguy kịch. Người dân chưa thấy được giá trị của làng cổ, họ cũng không nhận được lợi ích nên chỉ thể hiện mong muốn sống trong 1 ngôi nhà hiện đại hơn. Nhưng rất may chính quyền đã nhận thấy giá trị của làng cổ và quyết định tu bổ đồng thời vẫn tuyên truyền cho người dân nhận thấy được giá trị, thu hút được khách du lịch và sống được bằng việc giữ gìn và bảo tồn giá trị”.
Ông nhấn mạnh: “Để phát triển bền vững được di sản cần có sự hài hòa giữa nguyện vọng của người dân và ý chí của chính quyền đối với những di sản sống như làng cổ Đường Lâm. Nguyện vọng bảo tồn từ người dân chứ không phải áp đặt từ trên xuống thì mới đảm bảo bền vừng. Những lợi ích thu được từ di sản sẽ giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn”.
Trước sự đồng lòng của người dân lẫn chính quyền, sự giúp đỡ từ các chuyên gia Nhật Bản, làng cổ Đường Lâm đã được UNSECO trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013, trong đó có cổng làng Mông Phụ.
Lễ ký kết biên bản bàn giao mô hình cổng làng Mông Phụ. Ảnh: P.H |
Trở về Nhật Bản sau khi hoàn thành dự án, với những tình cảm sâu sắc, GS. KTS Ejima Akiyoshi đã dùng các số liệu đo đạc cũ để phục dựng lại mô hình cổng làng Mông Phụ theo tỉ lệ 1/10 bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và dành tặng Bảo tàng Hà Nội. Mô hình có thể tháo ra lắp vào phục vụ cho tập huấn tu bổ và giảng dạy.
Đại diện bảo tàng Hà Nội tặng hoa cảm ơn GS, KTS người Nhật. Ảnh: P.H |
Việc tiếp nhận mô hình cổng làng Mông Phụ nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng báo di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm, trong đó có cổng làng Mông Phụ. Đồng thời tăng cường nhận thức vai trò và trách nhiệm của người dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hoạt động cũng tăng cường tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị cũng như sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản./.