Chuỗi giá trị - “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp "đói" vốn như cơ thể thiếu máu nên không thể lớn lên được. Tại buổi tọa đàm mới đây tại Hà Nội về tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nhiệp,
ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
cho rằng, khi doanh nghiệp có một cơ hội kinh doanh mà không tiếp cận được vốn nghĩa là cơ hội tăng trưởng bị hạn chế.
"Đói" vốn khiến doanh nghiệp tăng trưởng kém (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ông Tô Hoài Nam, việc không tiếp cận được vốn có nhiều nguyên nhân khách quan mặc dù ngân hàng và doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng. Ở Việt Nam có đến gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Trong số đó, khoảng 98% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn.
Khi có nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có 2 kênh để huy động: một là vốn tích luỹ từ quá trình kinh doanh, hai là vay của người thân. Nhưng hai kênh này không thể đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh. Một kênh nữa là vay ở ngoài nhưng kênh này quá rủi ro, lãi suất quá cao. Chính vì thế mà các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam không tăng trưởng được, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho hay.
Ông Tô Hoài Nam phân tích, ngân hàng không thiếu vốn mà chỉ thiếu niềm tin bắt nguồn từ tín nhiệm của doanh nghiệp. Để khơi thông được vốn cho doanh nghiệp thì cần có biện pháp sát với thực tế hơn.
Trước hết, ông Nam cho rằng, ngân hàng với tư cách là doanh nghiệp đặc biệt, tính chuyên nghiệp cao hơn lại có tiềm lực tài chính mạnh thì trong mối quan hệ với doanh nghiệp ngân hàng phải chủ động hơn, thậm chí phải hy sinh, táo bạo một chút để có lợi lâu dài.
Điểm nào doanh nghiệp cần hỗ trợ thì ngân hàng nên hỗ trợ, ví dụ như hỗ trợ quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án đầu tư về thiết bị, nhà xưởng tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm, tăng tính minh bạch về báo cáo tài chính, ông Nam nêu rõ.
DNNVV cần nâng cao tín nhiệm để dễ vay vốn (Ảnh minh họa: KT) |
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã chuyển chiến lược của mình từ cho vay các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sang lĩnh vực bán lẻ và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt, cho vay theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của ông Tần, đây là hướng rất tốt để hỗ trợ cho DNNVV vừa và khu vực kinh tế tư nhân.
Từ ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên để hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Đây cũng là động thái của Ngân hàng Nhà nước hướng dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực ưu tiên.
Cũng liên quan việc tiếp cận vốn của DN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có những cơ chế đặc thù với đối tượng đặc biệt như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, doanh nghiệp công nghệ cao hoặc những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Ông Phong nêu thực tế: Ngân hàng thường có phong trào thích làm các dự án lớn, công sức ít hơn, độ an toàn cao hơn, hoa hồng nhiều hơn, phần thưởng tốt hơn.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế này, để đảm bảo nguồn vốn rộng hơn, cần phải thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi. Điều này luật hỗ trợ DNNVV đã khẳng định rất rõ, ngay cả cho vay tín chấp hay các hoạt động cho vay khác cũng cần ưu tiên lấy đây làm trọng tâm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn liên kết với nhau để đáp ứng được điều kiện cho vay đầu tư dài hạn. Khi tham gia vào chuỗi, DNNVV sẽ có điều kiện để phát triển tốt hơn, lớn hơn, đáp ứng được điều kiện cho vay từ phía ngân hàng./.
Theo phân loại theo quy mô lao động và tài sản kinh doanh thì 97% số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa. Ðây là hiện trạng phổ biến, tuy nhiên, khoảng cách về quy mô của DNNVV tư nhân so với các doanh nghiệp khác lại khá lớn. Vốn bình quân chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của một doanh nghiệp nhà nước và 8% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).