Chiều 26/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Đơn vị số 1, Thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại xã Trường Long, huyện Phong Điền. Trả lời cử tri về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi bàn về Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Quốc hội mong muốn người dân tham gia giám sát việc phòng, chống tham nhũng, đồng thời có những biện pháp bảo vệ người, khen thưởng người tố cáo tham nhũng để người dân tích cực tham gia.

chu tich quoc hoi tiep xuc cu tri tai huyen phong dien can tho
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Hơn 300 cử tri của huyện Phong Điền đã tham dự buổi tiếp xúc cử tri. Rất nhiều những ý kiến tâm huyết về các vấn đề của địa phương và đất nước đã được các cử tri của huyện Phong Điền trao đổi, đặt câu hỏi cho các đại biểu Quốc hội.

Cho rằng, hiện nay công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực. Để công tác này có hiệu quả hơn trong thời gian tới, cử tri Huỳnh Chí Dũng đề nghị: “Đề nghị Đảng và nhà nước cần cương quyết hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, đưa ra những điều luật phòng, chống chặt chẽ, khắt khe hơn nữa để đủ sức răn đe; đồng thời quy định cụ thể những thông tin người dân có quyền được biết vai trò trách nhiệm của người dân trong việc tiếp cận thông tin, tham gia giám sát phòng, chống tham nhũng, để người dân cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện đạt kết quả tốt nhất”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. Khi bàn về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi thì Quốc hội mong muốn để cho người dân tham gia giám sát việc phòng chống tham nhũng và có tiếng nói, đồng thời có những biện pháp bảo vệ người tố cáo và cũng có biện pháp khen thưởng người tố cáo tham nhũng để người dân tích cực tham gia. Những cơ chế để phòng là chính trong luật ghi rất cụ thể, có mở rộng phạm vi, nâng cao chế tài để phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng nhằm tránh tình trạng lạm dụng, hoặc thiếu minh bạch, dân chủ làm cho người dân hiểu không đúng hoặc không được tham gia phòng chống tham nhũng. Khi bàn về Luật bảo vệ bí mật nhà nước chúng tôi cũng đã đưa ra nếu cái gì cũng bí mật hết thì sẽ ảnh hưởng đến quyền được biết của người dân. Ý kiến của cử tri rất là đúng”.

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Phạm Văn Tư, xã Trường Long, huyện Phong Điền cho biết, việc liên kết hợp tác nâng cao chất lượng, giá cả của sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, người dân còn nhiều thiệt thòi.

“Hiện nay nông dân chưa được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chỉ sản xuất tự phát, chạy theo thị trường. Từ đó hàng sản xuất ra chưa được nâng cao giá trị của mặt hàng sản xuất”, cử tri Phạm Văn Tư nói.

chu tich quoc hoi tiep xuc cu tri tai huyen phong dien can tho
Toàn cảnh phiên tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật hợp tác xã, mô hình hợp tác làm ăn liên kết kinh tế. “Tôi thấy sản phẩm nhân dân làm ra rất ngon, nhưng giá trị lại thấp. Khi vào siêu thị giá trị lại rất là cao. Quê tôi, một chục dừa xiêm có 12 trái chỉ 48.000 đồng. Trong khi trái dừa đó ra đến Hà Nội là 50.000 đồng/trái, thì đâu phải giá nông sản thấp. Nhưng rõ ràng, người nông dân không làm chủ được thị trường và khâu hưởng lợi nhất lại không phải người nông dân mà là khâu thương mại. Tôi rất là mong muốn Luật hợp tác xã sẽ được nghiên cứu một cách cụ thể trở thành hiện thực, đây cũng là mong muốn của Nhà nước. Trên cơ sở ý kiến của cử tri, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chính sách để xem tất cả chính sách nhà nước quy định trong Luật đã đủ chưa, người dân đã tiếp cận chưa, quy định trong luật nhưng đã hướng dẫn cho người dân chưa và người dân được hưởng lợi những gì từ chính sách quy định trong Luật này. Vấn đề này rất là lớn, đây là vấn đề kinh tế hợp tác”.

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng đánh giá cao trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thực hiện đổi mới chất vấn, với việc hỏi và đáp luôn, tạo hấp dẫn đối với cử tri khi theo dõi. Chủ tịch Quốc hội cho biết, chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức trong hoạt động giám sát của Quốc hội; qua đây đã thể hiện bản lĩnh, năng lực, trình độ, khả năng quyết đoán của từng thành viên Chính phủ. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ thực hiện việc chất vấn hai lần (vào giữa và cuối kỳ) theo hình thức trên, còn lại Quốc hội sẽ chọn những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm để mời các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp.

Ghi nhận ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian tới. Theo chương trình, sáng mai (27/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu đơn vị số 1, TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng./.