Chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết
Nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra ngập úng.

Ngay sau trận mưa lớn xảy ra vào rạng sáng ngày 3/7, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra ngập úng. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, lượng mưa vào lúc 10h sáng ngày 3/7, tại các xã Thần Sa, La Hiên, Cúc Đường (huyện Võ Nhai) có lượng mưa cao nhất từ 125 mm trở lên. Tính đến hết ngày 3/7, mưa lớn đã làm thiệt hại một số tài sản của người dân ở một vài địa phương trong tỉnh.

Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Ngày 2/7, trên địa bàn huyện có mưa to, huyện đã nâng cao mức độ cảnh báo, chỉ ra các điểm nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đặc biệt 10 xã ở chân dãy núi Tam Đảo, 4 điểm mỏ lớn đã có những cảnh báo".

Chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết
Các ngành, địa phương đang tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

Trong những ngày tới, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các địa phương sẽ xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Các cơ quan chức năng chủ động vận hành các công trình hồ đập, đê điều, vận hành đúng quy trình, không để xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân ở vùng hạ du".

Để chủ động trong phòng, chống lụt bão, mưa lớn, các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân./.